
Những chính sách nhân văn
Căn cứ quy định tại Nghị định số 116 (ngày 18-7-2016) của Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương, những năm qua, HĐND tỉnh Quảng Nam (trước đây) đã ban hành một số chính sách hỗ trợ trẻ em mầm non, học sinh (HS), sinh viên là người dân tộc thiểu số; HS, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đó là Nghị quyết 27 (ngày 22-7-2021) quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số; HS, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục giai đoạn 2021 - 2026 và sau đó được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết 07 (ngày 23-1-2024).
Cạnh đó là Nghị quyết 08 (ngày 21-4-2022) về quy định kinh phí phục vụ nấu ăn đối với các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non, HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh và được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết 23 (ngày 22-9-2023).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam (trước đây), thực hiện Nghị quyết 27 và Nghị quyết 07 về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số; HS, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục, từ năm 2021 đến nay tỉnh đã chi hơn 210 tỷ đồng với gần 19 nghìn em được thụ hưởng.
Khi còn là Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, ông Thái Viết Tường nhiều lần chia sẻ tại diễn đàn HĐND tỉnh, đây được xem là chính sách rất nhân văn của Quảng Nam đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số nhưng không được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 116; đem lại sự công bằng trong phát triển giáo dục.
Các chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học giữa chừng ở HS vùng dân tộc thiểu số miền núi; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.
Trong khi đó, với các mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho trẻ mầm non đối với cơ sở giáo dục công lập 4,47 triệu đồng/tháng/cấp dưỡng (sau đó tăng lên 5,4 triệu đồng) và các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung hơn 7 triệu đồng/tháng/cấp dưỡng, trong 3 năm học qua (từ 2022 - 2023 đến 2024 - 2025), tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 23 là hơn 68 tỷ đồng.
Chính sách này cũng đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đến công tác chăm lo giáo dục đối với trẻ em và HS vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện tốt hơn bữa ăn học đường đối với HS bán trú.
Cần đảm bảo tính kế thừa, liên tục
Các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh Quảng Nam (trước đây) ban hành đều dựa trên cơ sở của Nghị định số 116 của Chính phủ; song đến nay Nghị định số 116 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 66 (12/3/2025). Do đó, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hợp nhất thành một nghị quyết mới thay thế các nghị quyết trước đây là cần thiết nhằm đảm bảo tính pháp lý, liên tục khi thực hiện chính sách.

Vì vậy, theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam (trước đây) tại Tờ trình số 5682 (ngày 23-6-2025), HĐND tỉnh Quảng Nam (trước đây) đã ban hành Nghị quyết 48 (24-6-2025) thống nhất chủ trương trình cấp có thẩm quyền thành phố Đà Nẵng (mới) ban hành chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số; HS, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn để triển khai thực hiện các chính sách được kịp thời, không bị gián đoạn ngay từ đầu năm học mới 2025 - 2026.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Nam có 199 trường học, gồm 63 trường mầm non, 52 tiểu học, 41 THCS, 25 trường tiểu học và THCS, 14 THPT, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú 2 cấp THCS và THPT với tổng số trẻ và HS gần 65 nghìn em. Có 23 trường tiểu học tổ chức bán trú, 21 trường THCS bán trú, 10 trường tiểu học và THCS bán trú.
Theo tính toán của UBND tỉnh Quảng Nam (trước đây), chính sách hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho trẻ mầm non và các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung mỗi năm khoảng 27 tỷ đồng.
Cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 27 và Nghị quyết 07 về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên là người dân tộc thiểu số; HS, sinh viên khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục là 318 tỷ đồng trong 5 năm học đến (kể từ năm học 2025 - 2026).
Nguồn: https://baodanang.vn/ho-tro-tre-em-mam-non-hoc-sinh-nguoi-dan-toc-thieu-so-chinh-sach-nhan-van-can-tiep-tuc-3264722.html
Bình luận (0)