
Theo đó, dự án Thúc đẩy sự phát triển năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam sẽ hỗ trợ hơn 10.000 thanh niên, nghệ sĩ và doanh nhân sáng tạo qua các chương trình đào tạo, cố vấn và hỗ trợ khởi nghiệp.
Dự án cũng sẽ hiện đại hóa các không gian văn hóa như bảo tàng, nhà hát, trung tâm nghệ thuật, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại về chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
Triển khai hợp tác với Hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, dự án còn nâng cao năng lực cho các nhà làm phim trẻ, thúc đẩy kết nối quốc tế và tăng cường tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vào GDP từ mức 3,5% hiện nay lên 7% theo chiến lược quốc gia.
Dự án “Xây dựng Trường học Hạnh phúc góp phần đổi mới giáo dục và phát triển bền vững tại Việt Nam” sẽ xây dựng khung chính sách quốc gia về môi trường học đường tích cực, toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm, dựa trên mô hình Trường học Hạnh phúc toàn cầu của UNESCO. Giai đoạn thí điểm sẽ được triển khai tại ít nhất 20 trường học trên cả ba miền đất nước.
Hai dự án này nằm trong khuôn khổ Hợp tác Chiến lược 10 năm giữa UNESCO và SOVICO được ký kết tại Paris vào năm 2024. Việc ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, bình đẳng và bao trùm tại Việt Nam, nơi thanh, thiếu niên, phụ nữ và những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục được trang bị các kỹ năng để tạo ra sự thay đổi tích cực.
Nguồn: https://baodanang.vn/unesco-khoi-dong-hai-du-an-chien-luoc-ve-van-hoa-va-giao-duc-tai-viet-nam-3264713.html
Bình luận (0)