Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai phá giá trị vùng miền

Phát huy lợi thế vùng miền để tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp là một trong những cách làm hay được các cơ sở giáo dục thực hiện.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk07/05/2025

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, việc đa dạng hóa hình thức giáo dục hướng nghiệp đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh tiếp cận với kiến thức nghề nghiệp ở từng mức độ và nhu cầu khác nhau.

Theo đó, các em có thể “lướt qua” bằng hình thức tham quan, trải nghiệm hoặc nghiên cứu kỹ, có chiều sâu bằng hoạt động nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, thực hiện đề tài, ý tưởng khởi nghiệp từ trong trường học. Trong đó, điểm nhấn phổ biến, hiệu quả và được cộng đồng công nhận trong nhiều năm qua là khai phá giá trị địa phương trong hướng nghề, hướng nghiệp ở trường học phổ thông.

Trong đó, có nhiều dự án nổi bật như: “Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ”, “Thiết kế, chế tạo máy hút ruột chanh dây nhằm tự động hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động” của học sinh Trường THCS và THPT Đông Du; dự án “Sản xuất bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long” của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng khởi nghiệp của học sinh Đắk Lắk tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp).

Mới đây, dự án “Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt k’nia – Món quà từ đại ngàn” của nhóm học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Em Hà Gia Bảo, học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, thành viên thực hiện dự án chia sẻ rằng, dự án này xuất phát từ việc mong muốn khơi dậy sản phẩm văn hóa của người dân Tây Nguyên, cụ thể là hạt của cây k'nia. Cây k'nia mang biểu tượng văn hóa của người Tây Nguyên và cho loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao. Nhiều bạn nhỏ ở huyện Buôn Đôn vẫn đi nhặt hạt k'nia về bán nhưng thu nhập bấp bênh, do đó em cùng với các bạn lên ý tưởng, thực hiện dự án.

Điều thú vị là trong các tài liệu nghiên cứu được công bố, hạt k'nia chứa chất béo tốt và protein cao, vượt trội so với nhiều loại hạt khác. Các sản phẩm từ hạt k'nia (kẹo, bánh quy và bánh tráng không gluten) được sản xuất thủ công, chi phí thấp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng tham gia thực hiện dự án này, em Nguyễn Phạm Huyền Linh cho hay, bánh tráng là sản phẩm “hot” nhất khi không chứa gluten, phù hợp với người ăn kiêng hoặc dị ứng tinh bột. Khi tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, người tiêu dùng rất thích và ngỏ ý đặt mua số lượng lớn. Do đó, gây dựng, phát triển nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình tại Đắk Lắk gắn với văn hóa bản địa là một hướng đi nghề nghiệp đáng lưu tâm.

Đắk Lắk có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa… Do đó, khai phá những giá trị này trong thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp với cơ cấu ngành nghề đặc trưng là hướng đi được ngành giáo dục lưu tâm, đáp ứng xu thế nghề nghiệp của xã hội. Để khai phá giá trị vùng miền trong giáo dục hướng nghiệp, các cơ sở giáo dục có thể thực hiện thông qua các hoạt động: tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu, đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp; phối hợp giữa các cơ sở giáo dục (phổ thông, đại học, nghề nghiệp), cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết  bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp…

Học sinh Trường THCS và THPT Đông Du nghiên cứu cải tiến sản phẩm dự án "Sản xuất muối đồng bào vùng Tây Nguyên muối AMRÊČ”.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) thì môi trường học đường với sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường, xã hội là không gian lý tưởng để thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Khi học sinh được tạo điều kiện để phát triển ý tưởng gắn với thực tiễn, các em sẽ phát huy được năng lực sáng tạo và tinh thần trách nhiệm xã hội.

Thực tế cho thấy, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông không chỉ đơn thuần là định hướng nghề nghiệp mà còn là quá trình giúp học sinh hiểu rõ bản thân, khám phá sự phù hợp giữa năng lực, sở thích cá nhân với nhu cầu của thị trường lao động.

Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ cũng đã chỉ rõ sự cần thiết của việc đổi mới nội dung, phương pháp theo hướng tích hợp, đáp ứng xu thế phát triển của các ngành nghề trong nước.

Quá trình giáo dục hướng nghiệp hiệu quả sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, tự tin hơn trong việc xác định mục tiêu, tìm thấy niềm vui và động lực trong công việc sau này, từ đó cống hiến hết mình cho xã hội.

Hơn thế nữa, việc giáo dục hướng nghiệp hiệu quả ở bậc phổ thông sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng "lệch pha" giữa nguồn nhân lực và nhu cầu thị trường, tránh lãng phí những tài năng trẻ…

Nhật Minh

Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202505/khai-pha-gia-tri-vung-mien-d0f1768/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm