Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoa học "đi từ đất lên trời": Thị trường định hướng phát triển công nghệ

(Dân trí) - Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng xuyên suốt tiến trình lịch sử của đất nước, từ công cụ phục vụ cách mạng, kiến thiết đất nước đến động lực phát triển của đất nước trong giai đoạn đổi mới.

Báo Dân tríBáo Dân trí16/05/2025

Khoa học "đi từ đất lên trời": Thị trường định hướng phát triển công nghệ (Video: Thanh Bình).

Thu hút tri thức toàn cầu giải bài toán lớn của Việt Nam

Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó mà khoa học công nghệ (KHCN) của nước nhà phát triển, đất nước phát triển.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tại Chương trình "Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5". Chương trình được diễn ra tại trụ sở Bộ KH&CN vào chiều 16/5.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan các gian trình diễn sản phẩm KHCN (Ảnh: Minh Nhật).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số không chỉ là động lực, mà còn là sứ mệnh quốc gia. Bộ KH&CN sẽ đột phá cải cách từ thể chế đến cơ chế tài chính, từ tư duy quản lý đến cách đánh giá kết quả đầu ra, nhằm thúc đẩy tri thức trở thành động lực tăng trưởng thực sự.

Chúng ta đang sửa luật KHCN thành luật KHCN và ĐMST để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng Hùng cũng đã chỉ ra 10 điểm đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng của Luật KHCN và ĐMST.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình (Ảnh: Minh Nhật).

Trong luật mới, lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược.

Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 3

Các sản phẩm KHCN cần xuất phát từ nhu cầu của thị trường, người dân (Ảnh minh họa: Minh Nhật).

Một trong những điểm đổi mới đáng chú ý khác là quan điểm khoa học công nghệ thay vì ở trên trời, đi từ trời xuống đất thì phải có một chiều nữa là đi từ đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học.

"Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại chương trình PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu bày tỏ, Nghị quyết 57 đã khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong tiến trình phát triển KHCN và ĐMST Quốc gia.

"Đây là động lực lớn cho các nhà khoa học tiếp tục khám phá, tìm tòi những bí mật của trời đất, như chính nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghiên cứu khoa học là lấy bí mật của trời, là hoạt động tìm ra, khám phá, còn phát triển công nghệ mới là không gian sáng tạo của con người.

Nhận định này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực khoa học của tôi là khoa học trái đất, khi chúng ta chứng kiến biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra với những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ", PGS Ngà nhấn mạnh.

Đề xuất xây dựng công viên các nhà khoa học

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà khoa học có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 4

Sản phẩm robot hỗ trợ thông tin, giao tiếp được trình diễn tại chương trình (Ảnh: Minh Nhật).

"Ngày nay, chúng ta giàu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có thì chúng ta sẽ lại có được tinh thần ngày xưa ấy, lại giỏi giang như thế và hơn thế, phụng sự nhiều hơn.

Vì thế, Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước Xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20-25.000 USD vào năm 2045.

Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam.

Qua đó mà KHCN của nước nhà phát triển, đất nước phát triển", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò của KHCN xuyên suốt tiến trình lịch sử của đất nước, từ công cụ phục vụ cách mạng, kiến thiết đất nước đến động lực phát triển của đất nước trong giai đoạn đổi mới.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 5

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò của KHCN (Ảnh: Minh Nhật).

KHCN được xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, xác định mô hình tăng trưởng mới.

"Thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với bước tiến như vũ bão của AI, IoT, công nghệ sinh học và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam bắt kịp và phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong chương trình, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ "Make in Vietnam" ấn tượng đã được trưng bày, trình diễn.

Robot chữa cháy cho công trình công nghiệp là một sản phẩm của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Robot này được điều khiển và giám sát hoạt động từ xa. Robot có thể leo cầu thang lên các tầng, mở cửa cầu thang, tự rải vòi chữa cháy và phun nước hoặc bọt vào đám cháy. 

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 6

Robot chữa cháy cho công trình công nghiệp (Ảnh: Minh Nhật).

Một sản phẩm nổi bật khác là mẫu robot chiến đấu trên cơ sở robot tự hành Warthog của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Theo giới thiệu, robot có thể tác chiến từ xa theo các chế độ tự động hoặc bán tự động. Cụ thể như:

- Khả năng tự sục sạo phát hiện, nhận dạng mục tiêu (các đối tượng cần phát hiện nhận dạng như: bia bắn tập, con người).

- Khả năng khai hỏa tiêu diệt mục tiêu (đã được nhận dạng) theo các chế độ (tự động hoặc bán tự động).

- Khả năng khóa tiêu diệt mục tiêu bất kỳ theo chỉ định từ trung tâm giám sát điều khiển.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 7

Robot chiến đấu trên cơ sở robot tự hành Warthog của Học viện Kỹ thuật Quân sự (Ảnh: Minh Nhật).

Ngày hội KH&CN Việt Nam 18/5 mang thông điệp mạnh mẽ: KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là chìa khóa phát triển, mà chính là sứ mệnh kiến tạo tương lai Việt Nam.

Với tinh thần tiên phong, Bộ KH&CN cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và người dân, kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới toàn diện - nơi mỗi ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội trở thành hiện thực, mỗi sản phẩm khoa học đều góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Khoa học đi từ đất lên trời: Thị trường định hướng phát triển công nghệ - 8

Tại chương trình đã vinh danh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành KH-CN (Ảnh: Minh Nhật).

Cam kết hành động của Bộ KH&CN trong thời gian tới được cụ thể hóa qua các trụ cột chiến lược:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới - ứng dụng công nghệ.

- Khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức tài trợ, đơn giản hóa quy trình hỗ trợ nghiên cứu.

- Tái định vị vai trò doanh nghiệp - từ đối tượng thụ hưởng thành chủ thể dẫn dắt sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.

- Ưu tiên phát triển các công nghệ trọng điểm như AI, vi mạch, sinh học, năng lượng mới, công nghệ số - làm nền tảng bứt phá.

- Thúc đẩy liên kết viện - trường - doanh nghiệp - Nhà nước để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-di-tu-dat-len-troi-thi-truong-dinh-huong-phat-trien-cong-nghe-20250516170713794.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm