6 tháng đầu năm 2025, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (KN&DVNN) tỉnh triển khai nhiều mô hình khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như sản xuất lúa hữu cơ, trồng thâm canh sầu riêng, sản xuất cây dược liệu, nuôi cá trê vàng,...
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp thực hiện Dự án Khuyến nông Trung ương Xây dựng mô hình giống sắn mới gắn với nhà máy tiêu thụ tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 với quy mô 35ha.
Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tham quan cánh đồng trồng thử nghiệm giống lúa Hà Phát 3
Song song đó, công tác đào tạo, tập huấn cũng được Trung tâm đẩy mạnh với 19 lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), 5 lớp học tập kinh nghiệm, 6 hội thảo chuyên đề cấp tỉnh được tổ chức. Để nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới, Trung tâm KN&DVNN tỉnh thực hiện nhiều mô hình như sản xuất rau ăn lá hữu cơ, sản xuất lúa giống cấp xác nhận,... Trong đó, mô hình Chăn nuôi gà thịt bổ sung chế phẩm EM thứ cấp theo hướng an toàn sinh học và mô hình Canh tác hữu cơ trên mãng cầu ta, bưởi da xanh theo tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 được đánh giá cao về tính bền vững.
Trước diễn biến thất thường của thời tiết và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Trung tâm KN&DVNN tỉnh chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh. Hàng chục lớp tập huấn phòng bệnh trên tôm, cá, gia súc, gia cầm được tổ chức. Các mô hình chăn nuôi vịt, gà, bò, heo theo hướng an toàn sinh học được đẩy mạnh tại các địa phương như Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh (tỉnh Long An cũ),...
Song song với các mô hình trồng lúa, tỉnh còn triển khai Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao (6.000ha); tiếp tục theo dõi 3 mô hình điểm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP tại nhiều xã của huyện Châu Thành (tỉnh Long An cũ). Đến nay, các hợp tác xã (HTX) tham gia mô hình được hỗ trợ vật tư với tổng kinh phí 68,4 triệu đồng.
Vùng trồng thanh long Mộc Hoá (Ảnh: Nguyễn Phú Vinh)
Được thành lập năm 2004, HTX Dương Xuân (xã An Lục Long) hiện có 115 thành viên với tổng diện tích canh tác 458ha. Trong đó, có 101ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 69ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo Giám đốc HTX Dương Xuân Phan Thanh Sơn, những năm qua, HTX nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực từ ngành Nông nghiệp như xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ vật tư, máy móc phục vụ sản xuất.
“Ngành còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là trong việc chăm sóc và quản lý vườn thanh long. Nhờ vậy, nhận thức của nông dân thay đổi rõ rệt, nhiều hộ chuyển từ sử dụng phân bón hóa học sang sinh học. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp tăng năng suất, cải thiện độ tơi xốp của đất mà còn hạn chế tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long, nâng cao chất lượng nông sản và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu” - ông Phan Thanh Sơn cho biết.
Theo đại diện Trung tâm KN&DVNN tỉnh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các mô hình điểm, nhất là sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nhân giống cây trồng tại các trại sản xuất, tăng cường hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tập trung hỗ trợ sản xuất vụ Hè Thu, đồng thời phối hợp các đơn vị tiếp tục thực hiện các chương trình từ Trung ương, hợp tác quốc tế và dự án ứng dụng công nghệ cao.
Việc khơi dậy tinh thần đổi mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất là tiền đề để nông nghiệp Tây Ninh phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững./.
Khánh Duy
Nguồn: https://baolongan.vn/khuyen-nong-mo-loi-cho-chuyen-doi-tu-duy-san-xuat-a198970.html
Bình luận (0)