Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa ngành thủy sản

Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% sử dụng phao xốp trong nuôi thủy sản biển, 100% số tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa mang về bờ, 100% các cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị chức năng xử lý.

Báo Hưng YênBáo Hưng Yên10/07/2025

Là chủ tàu cá công suất lớn, hoạt động khai thác xa bờ, thời gian qua, bên cạnh việc chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngư dân Đoàn Văn Hậu ở xã Nam Cường lắp đặt túi lưới chứa rác thải phía sau mui tàu để thu gom các loại chai lọ, bao bì thực phẩm sinh hoạt và ngư lưới cụ hỏng trong chuyến đi biển nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, làm sạch đại dương. Ông Hậu chia sẻ: Biển ngày càng bị ô nhiễm nên sản lượng các loại hải sản cũng vì đó giảm sút. Nhiều mẻ lưới kéo lên, rác nhiều hơn tôm, cá. Để bảo vệ môi trường, tôi cũng như anh em trên tàu đã gỡ, phân loại rác mang về bờ xử lý.

Dọn dẹp rác thải tại bãi biển Cồn Vành

Dọn dẹp rác thải tại bãi biển Cồn Vành

Từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường trong khai thác, nuôi trồng và mua bán thủy sản đã trở thành vấn đề đáng lo ngại chung tại các địa phương ven biển. Trong đó, nổi cộm tình trạng ngư dân không lắp đặt thùng chứa rác trên tàu mà xả trực tiếp rác thải xuống biển, không thu hồi lại các ngư lưới cụ hỏng như lưới, dây thừng trong quá trình đánh bắt thủy sản... Trong nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa phát sinh chủ yếu từ xây dựng hạ tầng cơ sở nuôi như: Bạt lót ao nuôi, lồng, bè, lưới, thừng, phao… Đặc biệt, đối với nuôi thâm canh tôm nước lợ, nguồn phát sinh rác thải nhựa từ bạt lót, bao bì rất lớn.

Chuyển đổi 2.000 m2 đầm từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi thâm canh công nghệ cao đã mang lại thu nhập cao, ổn  định  cho  anh  Giang Văn Triệu, thành viên HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt. Từ 1 vụ mỗi năm ở cách thức nuôi tôm quảng canh, đến nay, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao có thể luân canh 3 - 4 vụ/ năm, tôm nuôi có thể sinh trưởng bình thường và được bảo toàn ngay cả trong mùa đông, cũng như cao điểm nắng nóng. Anh Triệu cho biết: Anh, em chúng tôi vẫn ví von nghề nuôi tôm là “nuôi nước” bởi môi trường nước rất quan trọng, quyết định đến thành, bại. Do đó, việc bảo vệ môi trường nước, không vứt rác, nhất là rác thải nhựa xuống đầm, sông ngòi là vô cùng cần thiết và cấp bách bởi việc xả rác thải gây hại vô cùng lớn cho hệ sinh thái, môi trường và làm chết vật nuôi do ô nhiễm. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường, người nuôi thủy sản phải có ý thức và chung tay thu gom bao bì nilon, xác tôm, cá, thức ăn thừa, không vứt xuống ao, đầm.

Với 54 km bờ biển, tỉnh Hưng Yên có lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tuy nhiên, lợi thế ấy có thể bị ảnh hưởng bởi rác thải, khiến cho một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng, phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Để bảo vệ môi trường, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện phong trào "Không xả rác thải nhựa ra biển". Các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về quản lý rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác hải sản với các hình thức phù hợp; lồng ghép tại các lớp tập huấn phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quy định về chống khai thác IUU cho cán bộ, ngư dân.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền, khuyến khích ngư dân sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; tích cực tham gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ngày Quốc tế đa dạng sinh học bằng các hoạt động hiệu quả, thiết thực. Chi cục cũng phối hợp với các ban quản lý cảng cá, bến cá thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của cảng, bến các quy định pháp luật về lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn, nhắc nhở các chủ tàu cá khi xuất, nhập bến thực hiện quy trình vệ sinh trên tàu, trang bị các dụng cụ chứa rác trên tàu, không vứt túi nilon, ngư cụ... xuống biển, khu neo đậu tàu, bên trong và xung quanh khu vực lên cá.

Ngân Huyền

Nguồn: https://baohungyen.vn/kiem-soat-giam-thieu-rac-thai-nhua-nganh-thuy-san-3182404.html


Chủ đề: rác thải nhựa

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm