Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2025): Những tờ báo Đảng - những tờ hịch cách mạng

(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Bác Hồ đã yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Ngược dòng lịch sử, báo chí trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng thực sự là một mặt trận chiến đấu, góp phần quan trọng đưa các phong trào cách mạng đi đến thắng lợi, đặc biệt là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa21/07/2025

Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29/7/1930 - 29/7/2025): Những tờ báo Đảng - những tờ hịch cách mạng

Thổi bùng ngọn lửa cách mạng

Trên cơ sở 3 Chi bộ Hàm Hạ, Thiệu Hóa và Thọ Xuân, ngày 29/7/1930, hội nghị đại biểu các chi bộ đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do đồng chí Lê Thế Long làm bí thư. Ngoài các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường phát triển đảng viên trên cơ sở chọn lựa các hội viên thanh niên tích cực để kết nạp; xây dựng các tổ chức Công hội đỏ và Nông hội đỏ; từng bước đấu tranh chống đế quốc, phong kiến để hòa nhịp với phong trào cách mạng trong nước, thì việc tổ chức ngay cơ quan ấn loát để in ấn các tài liệu cách mạng, phục vụ việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng, đồng thời cho ra báo Tiến lên đã được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm.

Như những tia lửa nhỏ, mỗi dòng viết trên các bài báo Đảng đã thổi bùng sự phẫn nộ trong Nhân dân thành một đám cháy lớn, lĩnh sứ mệnh lịch sử ấy, báo Tiến lên đã trở thành “công cụ tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Nguyễn Ái Quốc cho các đảng viên và quần chúng cách mạng hoạt động một cách đúng hướng mà Đảng đã vạch ra”.

Với khổ nhỏ, số lượng ít, báo Tiến lên dù chỉ xuất bản được 3 số, số đầu tiên in tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường (xã Thọ Lập), số thứ 2 và thứ 3 in tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ (phường Đông Sơn), song đã đưa chủ nghĩa yêu nước vào quần chúng Nhân dân Thanh Hóa, nhất là trong thanh niên, theo xu hướng cách mạng vô sản.

Sứ mệnh lịch sử về việc tuyên truyền hướng dẫn, biểu dương phong trào cách mạng của quần chúng đòi xây dựng trường học chữ quốc ngữ, chống nạn thất học cho Nhân dân lao động còn gọi tên tờ báo Hồn lao động (1934), Tia sáng (1936)...

Cũng trong thời gian này, từ kết quả của phong trào dân sinh dân chủ, các báo công khai của Đảng như Lao động, Tin tức, Nhành lúa... được phát hành rộng rãi trên địa bàn Thanh Hóa.

Lời hiệu triệu đánh tan quân đế quốc

Ngay sau khi hội nghị đại biểu các cơ sở đảng tại làng Thuần Hậu (nay thuộc xã Xuân Lập), tờ báo Tự do trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng bộ lâm thời Thanh Hóa. Đặc biệt sau khi được tiếp thu “Thông báo khẩn cấp" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và kế hoạch cụ thể của Xứ ủy Trung kỳ (vào cuối tháng 1/1941) về việc phát động phong trào hưởng ứng Bắc Sơn và Nam kỳ khởi nghĩa, báo Tự do số 3 đã kịp thời cho đăng xã luận và bài viết tuyên truyền hưởng ứng chủ trương này: “Tình hình rất khẩn trương, lửa cách mạng đã bùng cháy ở Bắc, Nam, Thanh Hóa phải làm gì để Trung Nam Bắc cùng nổi dậy đánh tan quân đế quốc cứu lấy giang san Tổ quốc”. Đây cũng chính là phương châm hành động của toàn thể đảng bộ và lực lượng cách mạng Thanh Hóa.

Từ những lời hiệu triệu in trên báo Tự do, riêng ở làng Thuần Hậu, Nhân dân đã công khai không nộp thuế, mà đã đem số thuế thu được nhập vào “quỹ cứu quốc” của địa phương để mua sắm vũ khí cho tự vệ, du kích. Đồng thời, trước sự chống đối mạnh mẽ của Nhân dân, Tỉnh Đảng bộ quyết định xây dựng chiến khu du kích Ngọc Trạo (tháng 7/1941).

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Thanh Hóa đang trong tình hình đầy khó khăn thử thách sau cuộc khủng bố trắng của địch hồi cuối năm 1941 thì đến đầu năm 1942, một số chiến sĩ cộng sản kiên cường như: Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong... đã vượt thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột và trại tập trung Hy Ly, lần lượt trở về Thanh Hóa, tiếp tục hoạt động.

Tháng 7/1942, hội nghị bí mật diễn ra tại nhà đồng chí Phạm Cự Số (làng Thượng, xã Nga Thắng) thành lập Tỉnh Đảng bộ lâm thời, do đồng chí Lê Tất Đắc làm Bí thư. Hội nghị đã quyết định lập ra tờ báo Đuổi giặc nước làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, đồng thời ra chủ trương thành lập một số tổ chức có tên là “Thanh Hóa ái quốc” để tập hợp quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.

Báo Đuổi giặc nước số đầu tiên được in ấn và phát hành vào tháng 8/1942 tại nhà đồng chí Phạm Văn Lân ở làng Thổ Phụ (nay thuộc xã Vĩnh Lộc), đến tháng 3/1943 chuyển về nhà Mẹ Tơm, làng Hanh Cù (nay ở xã Vạn Lộc) do đồng chí Tố Hữu trực tiếp phụ trách.

Báo chí cách mạng giai đoạn 1939-1945 còn gọi là báo chí thời kỳ cao trào cứu nước bởi phản ánh rất rõ khí thế cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đây cũng là lý do mà tháng 2/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa chủ trương đổi tờ báo Đuổi giặc nước thành báo Khởi nghĩa nhằm kịp thời động viên, chỉ đạo quần chúng chuẩn bị điều kiện vùng lên... Báo được in và phát đi cả 3 tỉnh (Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa), về các làng xã, nên phong trào quần chúng càng sôi động. Ở đâu cũng tổ chức tự vệ, tập luyện quân sự ráo riết, sẵn sàng đợi lệnh khởi nghĩa” (hồi ký “Nhớ lại một thời”, Tố Hữu).

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Về làng Thổ Phụ, chúng tôi được gặp ông Phạm Văn Long, con trai cụ Phạm Văn Lân, người giúp việc cho đồng chí Tố Hữu làm báo Đuổi giặc nước (số 1, tháng 7/1942; số 2, tháng 8/1942). Ông Phạm Văn Long vẫn còn nhớ rõ lời kể của bố mình: Báo Đuổi giặc nước có 4 trang, khổ 25cm x 40cm. Cả hai số báo toàn bộ trang đầu (trang bìa) vẽ tranh minh họa. Tranh vẽ bằng hai thứ mực đỏ và vàng. Trong đó có hình ảnh anh nông dân vác cờ, nách đeo kiếm đứng hiên ngang chững chạc. Phía đối phương có Bảo Đại mặc áo bào, mũ cánh chuồn bò lăn dưới đất, hai tên thực dân Pháp và phát xít Nhật đang chạy, một tên Việt gian đứng bêu mặt”.

Từ những câu chuyện kể lại của ông Phạm Văn Long, chúng tôi hiểu được rằng, cuộc đời của những người như cụ Phạm Văn Lân và nhiều đồng chí khác thì “cuộc đời cách mạng thật là sang”. Sang ở đây là được cứu dân, cứu nước. Sang vì niềm tin vào tương lai cách mạng và công cuộc giải phóng dân tộc.

Tinh thần này cũng đã được nhà thơ Tố Hữu viết trong cuốn hồi ký “Nhớ lại một thời” (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2000). Không chỉ “vất vả vì in trên đá, phải đi lùng tìm các mặt đá cẩm thạch bằng phẳng và mài thật nhẵn, tìm mua mực in và giấy ở thị xã Thanh Hóa và tập viết chữ trái” mà sau này, khi báo Đuổi giặc nước được chuyển về nhà mẹ Tơm (nay thuộc xã Vạn Lộc), đồng chí Tố Hữu và cơ quan in ấn được mọi người bảo vệ. “Lúc này anh Sồ và anh Hậu (đồng chí Vũ Văn Sồ, Vũ Đức Hậu - con trai mẹ Tơm) đã bắt đầu giác ngộ cách mạng, được phân công mang báo ra chợ phân phát cho các đối tượng đã có mối liên lạc. Ông bố và mẹ Tơm thì vui lòng làm việc “canh gác” cả ngày và đêm, trước và sau nhà”.

Chuyện làm báo thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám thật gian lao và vất vả. Tiến lên, Hồn lao động, Tự do, Đuổi giặc nước, Khởi nghĩa... không chỉ là tên tờ báo mà còn là mục tiêu lớn của dân tộc, của tỉnh Thanh Hóa trong mỗi giai đoạn. Nhắc lại tên các tờ báo ra đời trước Cách mạng Tháng Tám, một lần nữa khẳng định vai trò của báo chí của Đảng xuyên suốt các thời kỳ. Báo chí đã thực sự là tờ hịch cách mạng, cổ vũ Nhân dân đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho chính mình.

CHI ANH

* Bài viết sử dụng tư liệu sách: 90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020): Những dấu ấn và thành tựu nổi bật, NXB Thanh Hóa, 2020.

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-bo-tinh-29-7-1930-29-7-2025-nhung-to-bao-dang-nhung-to-hich-cach-mang-255479.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm