Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ vật của đôi vợ chồng y sĩ thời chiến

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa giờ đây đã đến tuổi “xưa nay hiếm”. Vợ chồng ông Đinh Hồng Khánh (80 tuổi) và bà Lê Thị Thanh Hồng (80 tuổi, phường Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn cất giữ cẩn thận hơn 100 kỷ vật gắn liền với nghề y từ năm 1961-1975.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng18/07/2025

Ông Đinh Hồng Khánh và bà Lê Thị Thanh Hồng đều là thương binh hạng 4, vừa là đồng đội vừa bạn đời, cùng nhau vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, cứu chữa hàng trăm thương binh trong suốt thời gian công tác tại bệnh xá ở Quảng Ngãi.

Dù chiến tranh đã lùi xa, hai vợ chồng y sĩ già vẫn nâng niu, gìn giữ hơn 100 kỷ vật thời chiến, từ những ống thuốc, ống nghe, máy đo huyết áp đến dao kéo phẫu thuật,… tất cả được đặt trang trọng trong chiếc tủ kính giữa phòng khách như một bảo tàng của ký ức. Bà Hồng nói: “Có lẽ cả hai vợ chồng tôi vì yêu nghề, gắn bó trọn đời với ngành y, nên bất cứ thứ gì liên quan, chúng tôi đều cố giữ lại, cũng là giữ lại câu chuyện của chính mình”.

y te 2 láy (1 of 1).jpg
Hai vợ chồng cựu chiến binh Đinh Hồng Khánh (80 tuổi) và bà Lê Thị Thanh Hồng (80 tuổi, phường Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi) giữ gìn những kỷ vật trong tủ kính. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Kể về năm tháng chiến tranh, bà Hồng hồi tưởng, năm 14 tuổi, cô gái nhỏ đã khoác ba lô làm nhiệm vụ giao liên cho Huyện ủy Tư Nghĩa cũ (tỉnh Quảng Ngãi). Những bức thư mật, mệnh lệnh chỉ đạo khẩn cấp được cô giao liên chuyển đến tận tay các đơn vị, góp phần chuẩn bị cho Chiến dịch Ba Gia, chiến thắng vang dội mở màn cao trào cách mạng ở miền Nam từ ngày tháng 5 đến tháng 7-1965.

Cuối năm 1964, khi khói lửa chiến tranh ngày càng khốc liệt, bà Hồng xin được học y tế và làm việc tại “Bệnh xá chú Tám”. Từ năm 1965, bà chính thức trở thành y sĩ của Bệnh xá B21, đây là nơi chuyên thu dung và cứu chữa thương bệnh binh từ các mặt trận.

Bệnh xá B21 mỗi tháng thu dung 70–80 ca, cao điểm trong các Chiến dịch Ba Gia và Vạn Tường, có thời điểm lên đến hơn 300 ca. Trước yêu cầu ngày càng khẩn cấp, bệnh xá chia làm ba khu A, B, C, địa bàn đóng quân là tâm điểm của bom tọa độ và những trận càn quét, có lần bị địch vây kín.

dung cu y te (1 of 1).jpg
Những ống thuốc được vợ chồng y sĩ giữ lại cho đến ngày nay. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Hồng kể lại: “Năm 1967, trên đường mang thư từ tiếp tế cho bệnh xá, khi băng qua cánh đồng Đá Sơn (huyện Tư Nghĩa), tôi bất ngờ bị 2 trực thăng của địch phát hiện. Trong tích tắc, tôi lao xuống ruộng, ẩn nấp, chỉ cần sơ sẩy, có lẽ đã không còn cơ hội trở lại chiến trường…”.

Năm 1965, giữa vùng chiến khu ác liệt, bà Hồng gặp và quen biết ông Khánh, y sĩ của Bệnh xá B21. Giữa những ca trực đêm không dứt, giữa những lần chăm sóc thương binh dưới ánh đèn dầu le lói, họ từ đồng đội dần trở thành người tri kỷ.

Ông Khánh kể: “Chúng tôi vừa là đồng đội, vừa hỗ trợ nhau từng ca cấp cứu. Đến năm 1968, chúng tôi nên duyên và chính bệnh xá tổ chức đám cưới cho chúng tôi”.

dung cu (1 of 1).jpg
Một số dụng cụ phẫu thuật và hành nghề y. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sau này, ông Khánh học lên và trở thành Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A80. Ông từng phẫu thuật cho hàng trăm thương binh trong điều kiện vô cùng khó khăn, giữa rừng sâu, thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế. Có lần, ông phải dùng nẹp tre để cố định xương gãy, nấu nước tro thay xà phòng để giặt đồ. Vừa làm nhiệm vụ y sĩ, ông Khánh vừa đảm bảo công tác hậu cần như cõng gạo, cõng mắm, kiếm củi, tự túc một phần lương thực, thực phẩm,… đảm bảo bữa ăn cho các thương bệnh binh để họ nhanh chóng phục hồi, trả nhanh quân số về đơn vị chiến đấu.

Trong cuốn sổ tay ông còn lưu giữ đến nay, từng ca phẫu thuật được ông ghi lại tỉ mỉ, quy trình hội chẩn, phẫu thuật, những ngày nằm viện của thương binh. “Tôi nhớ nhất khoảng thời gian làm y sĩ ở Bệnh xá chú Tám. Giữa rừng già, giữa bom đạn, tôi chỉ mong giữ được mạng sống cho anh em là đủ”, ông xúc động kể.

Có những bệnh nhân, nhờ bàn tay ông mà sống tiếp. Sau này, có người tìm đến thăm và cảm ơn người thầy thuốc đã cứu mạng năm xưa.

ông đinh hồng khánh
Ông Khánh trân trọng từng dụng cụ y tế từng đồng hành với ông suốt thời chiến tranh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sau năm 1975, bà Hồng trở về Quảng Ngãi làm Phó Ban tổ chức Xí nghiệp Ba Gia, còn ông Khánh được Nhà nước cho đi học thêm lớp gây mê hồi sức, rồi làm trợ lý quân y Sư đoàn 342, Quân khu 4. Mãi đến năm 1985, ông mới trở về đoàn tụ cùng vợ tại quê nhà.

Trong suốt thời gian xa cách, ông không quên dặn bà Hồng gìn giữ những dụng cụ y tế, kỷ vật gắn bó với nghề. Đó là những chứng tích không chỉ của một thời chiến gian khổ. Ông Khánh xúc động chia sẻ: “Nhiều người nhìn những ống thuốc cũ kỹ ấy tưởng chẳng còn giá trị, nhưng đó là những lọ thuốc quý hiếm mà chúng tôi chắt chiu có được giữa bom đạn”.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ky-vat-cua-doi-vo-chong-y-si-thoi-chien-post804256.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm