Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ký xác nhận trong hồ sơ bệnh án điện tử như thế nào?

(Chinhphu.vn) - Khi triển khai bệnh án điện tử, người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh sẽ phải ký hoặc xác nhận điện tử các nội dung liên quan trong hồ sơ bệnh án điện tử, thay vì ký xác nhận trong hồ sơ bệnh án giấy.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ10/07/2025

Ký xác nhận trong hồ sơ bệnh án điện tử như thế nào?- Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là một trong những cơ sở y tế tiên phong đã triển khai hoàn toàn bệnh án điện tử - Ảnh: VGP/HM

Đăng ký chữa ký số 1 lần duy nhất

Là đơn vị triển khai hoàn toàn bệnh án điện tử và sử dụng chữ ký số của người bệnh (100%) qua bảng ký điện tử, PGS.TS.TTND Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chia sẻ, triển khai bệnh án điện tử vô cùng thuận lợi.

Ông Hà Hữu Tùng cho biết, trước đây, có hồ sơ bệnh án dày cả tập, nhất là hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân nặng dày tới cả trăm trang; không gian để hồ sơ (kho lưu trữ) không đủ, mỗi năm lại tăng thêm gấp đôi số hồ sơ. Hồ sơ nào lưu giữ đủ 10 năm thì mới thanh lý.

"Khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thì dữ liệu đó là chung của bệnh viện. Vì vậy tất cả các khoa, phòng của bệnh viện đều có thể xem các kết quả cận lâm sàng và hội chẩn online cho bệnh nhân. Đây là điểm vô cùng thuận lợi.

Cán bộ y tế cũng không cần phải viết tay, mất nhiều thời gian. Các kết quả phải in giấy, người bệnh đưa về cho bác sĩ đọc từng trang để hội chẩn.

Dự toán, mỗi năm số tiền không phải in phim, Bệnh viện có thể tiết kiệm được từ 6-7 tỷ đồng, hồ sơ bệnh án in phôi giấy cũng phải không phải in nữa, tiết kiệm thêm mỗi năm 2-3 tỷ đồng. Kho lưu hồ sơ được tận dụng làm những việc chuyên môn khác", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết.

Đặc biệt, khi triển khai bệnh án điện tử, chữ ký số của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh xác nhận trên hồ sơ cũng rất quan trọng. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, khi vào Bệnh viện, người dân chỉ cần đăng ký chữ ký số 1 lần duy nhất, chữ ký này sẽ được sử dụng cho đến khi người bệnh ra viện. Điều này rất thuận lơi cho người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội - cơ sở y tế đầu tiên triển khai thực hiện chữ ký số trên VNeiD cho người bệnh, đang áp dụng với 100% người bệnh nội trú và 3 phòng khám ngoại trú thuộc Khoa khám bệnh. Tức là việc ký hồ sơ bệnh án có thể thao tác trên máy điện thoại có cài ứng dụng VNeID.

Dự kiến, sau một thời gian triển khai và đánh giá hiệu quả, Bệnh viện sẽ áp dụng chữ ký số trong toàn bộ trong quy trình khám chữa bệnh.

Chữ ký số của người bệnh là khâu cuối cùng mà người bệnh phải thực hiện sau quá trình khám bệnh. Khi chữ ký số được ký ngay trên điện thoại, người bệnh không còn phải ký tay trên bảng kê chi phí điều trị, giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt thủ tục giấy tờ cho người bệnh. Đặc biệt, thông tin cá nhân của người bệnh được bảo mật tốt hơn, hạn chế tối đa nguy cơ giả mạo hay sử dụng sai mục đích.

Ký xác nhận trong hồ sơ bệnh án điện tử như thế nào?- Ảnh 2.

Các bệnh viện phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào ngày 30/9/2025 - Ảnh: VGP/HM

Hướng dẫn chữ ký xác nhận của người bệnh trên bệnh án điện tử

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 13/2025/TT-BYT hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tại Điều 3 của Thông tư này quy định, nhân viên y tế, người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh thực hiện ký hoặc xác nhận điện tử các nội dung liên quan trong hồ sơ bệnh án điện tử theo một trong 3 hình thức sau:

- Sử dụng chữ ký điện tử hợp pháp;

- Sử dụng các kỹ thuật sinh trắc học;

- Sử dụng các hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử khác theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/7/2025. Theo đó, người bệnh đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trước thời điểm này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm 21/7/2025, vẫn tiếp tục sử dụng hồ sơ bệnh án giấy cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú, trừ trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chuyển sang hồ sơ điện tử.

Hồ sơ bệnh án đã lập bằng giấy trước ngày 21/7/2025, : căn cứ điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lãnh đạo các cơ sở này sẽ quyết định việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy sang dữ liệu điện tử nếu cơ sở có điều kiện, bảo đảm theo quy định tại Nghị định 137/2024/NĐ-CP về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Cũng theo Thông tư 13/2025/TT-BYT quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chậm nhất vào ngày 30/9/2025.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có người bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2026.

Thuý Hà


Nguồn: https://baochinhphu.vn/ky-xac-nhan-trong-ho-so-benh-an-dien-tu-nhu-the-nao-102250710172805559.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm