Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm gì để chống gian lận thương mại trên môi trường số?

ĐNO - Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo nhiều hệ lụy về gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước tình trạng này, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang được kỳ vọng là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống gian lận thương mại trên môi trường số.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng09/07/2025

d2-anh2.jpg

Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng) kiểm tra đột xuất các cửa hàng thời trang tại phường Hải Châu. Ảnh: V.HOÀNG

“Mảnh đất màu mỡ” nếu thiếu kiểm soát

Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie, nhu cầu tiêu dùng qua thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng kéo theo sự gia tăng các hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

Hiện nay, tới 90% hàng giả và hàng xâm phạm quyền được tiêu thụ và bán trên các nền tảng thương mại điện tử hay mạng xã hội. Không dừng lại ở việc bán hàng giả, các đối tượng còn tinh vi tạo lập website giả mạo, sử dụng mạng xã hội và công cụ AI để quảng cáo, đánh lừa người tiêu dùng.

Đáng lo ngại, người tiêu dùng thông thường rất khó nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Trong khi đó, việc kiểm duyệt, truy vết vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay gặp nhiều khó khăn nếu thiếu sự hợp tác từ chính các sàn thương mại điện tử.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng có những hệ lụy nhất định. Mà thấy rõ là hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trong đó, mạng xã hội đang trở thành “sàn thương mại điện tử không chính thức”, nơi diễn ra phổ biến các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các đối tượng lợi dụng tính ẩn danh, thiếu kiểm soát của nền tảng để tạo tài khoản ảo, livestream bán hàng mạo danh thương hiệu, đánh tráo nguồn gốc xuất xứ. Chính sách giao hàng nhanh và thanh toán thu hộ cũng vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6, số vụ được phát hiện và xử lý lên đến 10.437 vụ. Những con số này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết phải triển khai các giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm trong bối cảnh các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đội Quản lý thị trường số 2

Thực phẩm và thực phẩm chức năng là các nhóm mặt hàng được lực lượng quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra trong thời gian đến. Ảnh: V.HOÀNG

Dùng AI để phân biết hàng thật, hàng giả

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại trong môi trường số, nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng cần phải đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu số.

Tại Đà Nẵng, Chi cục Quản lý thị trường thành phố (Sở Công Thương) đã và đang triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Trong 6 tháng đầu năm 2025 (từ 15-12-2024 đến 7-7-2025), lực lượng chức năng đã kiểm tra 485 vụ và xử lý 299 vụ với tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng. Riêng trong tháng cao điểm (từ 15-5 đến 15-6), lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 147 vụ, phát hiện và xử lý 93 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu gần 1,6 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử.

Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng…; tăng cường giám sát trực tuyến, đầu tư nguồn lực, công nghệ để rà soát, giám sát các trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội có dấu hiệu kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để yêu cầu gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm, yêu cầu cung cấp thông tin đối tượng vi phạm để xử lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu các phương thức giao dịch mới để có biện pháp nghiệp vụ phù hợp với các hình thức kinh doanh online mới như: livestream bán hàng, bán hàng qua các nhóm kín...

Đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại không chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, mà cần sự chung tay của toàn dân. Hiện Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đang được giao xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ phân biệt hàng thật, hàng giả với kỳ vọng giúp người tiêu dùng nhận diện rõ nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng


Nguồn: https://baodanang.vn/lam-gi-de-chong-gian-lan-thuong-mai-tren-moi-truong-so-3265331.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm