Theo The Guardian, Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch quy mô lớn: nhân giống hàng tỷ con ruồi và thả chúng từ máy bay xuống Mexico cùng miền nam bang Texas (Mỹ).
Mục tiêu là ngăn chặn ấu trùng ruồi screwworm, một loài ký sinh trùng nguy hiểm có khả năng giết chết gia súc chỉ trong vòng hai tuần.
Phương pháp khoa học đã được chứng minh
Kế hoạch này, nghe có vẻ như kịch bản phim khoa học viễn tưởng, thực chất dựa trên một phương pháp khoa học đã được chứng minh hiệu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong chiến dịch từ năm 1962 đến 1975, Mỹ và Mexico đã phối hợp thả hơn 94 tỷ ruồi đực vô sinh, thành công loại trừ gần như hoàn toàn loài ký sinh gây ám ảnh này ở Bắc Mỹ.
Mấu chốt của phương pháp nằm ở đặc điểm sinh học kỳ lạ của ruồi screwworm cái: chúng chỉ giao phối duy nhất một lần trong đời. Khi giao phối với ruồi đực vô sinh (được triệt sản bằng phóng xạ), trứng ruồi sẽ không được thụ tinh, không nở thành ấu trùng, khiến quần thể sụt giảm nhanh chóng.
“Đây là một trong những thành tựu khoa học lớn nhất của USDA khi biến công nghệ thành giải pháp thực tiễn", ông Edwin Burgess, chuyên gia ký sinh trùng tại Đại học Florida, khẳng định.
Mối đe dọa từ "ấu trùng ăn thịt"
Ấu trùng ruồi screwworm (tên khoa học: Cochliomyia hominivorax) không giống các loài ruồi thông thường chỉ ăn xác thối. Chúng nổi tiếng vì khả năng “ăn thịt sống”.
Ruồi cái đẻ trứng vào vết thương hở của động vật máu nóng (bao gồm gia súc, thú cưng và cả con người). Ấu trùng nở ra sẽ xâm nhập sâu vào mô sống, ăn thịt từ bên trong, gây đau đớn cực độ, nhiễm trùng lan rộng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Dòi được sử dụng trong nhà máy nhân giống ruồi (Ảnh: AP).
Ông Michael Bailey, Chủ tịch Hiệp hội Thú y Mỹ, cảnh báo: “Một con bò nặng 450kg có thể chết chỉ sau 2 tuần nếu bị nhiễm nặng".
Dù bác sĩ thú y có thể chữa trị bằng thuốc diệt ấu trùng, quá trình này vừa tốn kém vừa gây đau đớn cho động vật.
Vì đặc tính không chịu nổi giá rét, ruồi screwworm từng chỉ là nỗi ám ảnh mùa hè ở vùng Nam Mỹ. Tuy nhiên, cuối năm 2024, USDA xác nhận loài này đã xuất hiện trở lại ở miền nam Mexico sát biên giới Mỹ, làm dấy lên lo ngại chúng sẽ di chuyển lên phía bắc theo đàn gia súc.
Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, Mỹ đã tạm đóng biên giới với các loài gia súc, ngựa, trâu bò sống từ Mexico vào tháng 5 và dự kiến chưa mở lại cho tới ít nhất giữa tháng 9.
Chiến dịch "mưa ruồi" trên bầu trời
Theo kế hoạch mới nhất, USDA sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất ruồi quy mô lớn ở miền nam Mexico từ tháng 7/2026, với công suất nhân giống 400 triệu con ruồi mỗi tuần, gấp hơn 3 lần công suất nhà máy hiện tại ở Panama.
Ruồi đực được nuôi bằng chế độ ăn đặc biệt gồm bột trứng, mật ong hoặc huyết tương bò, sau đó triệt sản bằng bức xạ trước khi đóng thùng, chuyển lên máy bay để rải dọc khu vực biên giới.
Phương pháp thả ruồi vẫn giữ nguyên công nghệ cơ bản từ những năm 1950. Ruồi được đặt trong thùng chuyên dụng, máy bay nhẹ sẽ bay thấp, mở cửa thả ruồi xuống đất. Trong những thử nghiệm đầu tiên, các nhà khoa học thậm chí từng bỏ ruồi vào cốc giấy, thả từ máy bay qua ống trượt.
Những rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, chiến dịch cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hồi tháng 6, một máy bay thả ruồi đã gặp tai nạn gần biên giới Mexico – Guatemala, khiến 3 người thiệt mạng.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Sonja Swiger, chuyên gia côn trùng học của Đại học Texas A&M, các nhà máy phải kiểm soát tuyệt đối ruồi giống để không con đực còn khả năng sinh sản nào thoát ra ngoài môi trường.
GS Burgess cho rằng, thay vì đóng cửa các nhà máy ngay sau khi diệt xong dịch, cần duy trì hệ thống sẵn sàng ứng phó. “Điều chúng ta tưởng như đã kiểm soát tuyệt đối hoàn toàn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào", ông nhấn mạnh.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/ly-do-khien-my-du-dinh-tha-hang-ty-con-ruoi-tu-may-bay-20250704055232321.htm
Bình luận (0)