Miễn phí khám sức khỏe toàn dân là "tuyên ngôn" về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, chủ trương miễn viện phí toàn dân của Tổng Bí thư Tô Lâm là “tuyên ngôn” mang tính cách mạng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, nhằm bảo đảm mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải lo lắng về chi phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo rất rõ ràng về lộ trình, trước hết là ưu tiên cho các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi… Sau đó, chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu khám sức khỏe định kỳ và miễn viện phí cho toàn dân, có thể là vào giai đoạn 2030-2035, trong đó việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần có thể thực hiện từ năm 2026.
Ông Đào Xuân Cơ bộc bạch, là bác sĩ chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ vùng sâu, vùng xa, khi về đến Bệnh viện Bạch Mai thì nhiều gia đình đã khánh kiệt, ông rất đồng cảm với người bệnh khi phải đi viện.
Vì vậy, khi Tổng Bí thư đưa ra chủ trương này, ông thấy đây không chỉ là một mệnh lệnh hành chính mà là một chiến lược phát triển đất nước, lấy con người làm trung tâm, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta.
"Chủ trương miễn học phí, rồi đến miễn viện phí, cùng với việc mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, đó là một "tuyên ngôn" về chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta chuyển từ bị động chữa bệnh sang chủ động phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Tôi tin rằng, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lộ trình bài bản, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân", ông Cơ bày tỏ.
![]() |
Thăm khám sức khỏe cho người dân. |
Cần ba nguồn tài chính để triển khai chủ trương miễn phí toàn dân
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng bộ của các cơ quan chức năng, ngành y tế và đặc biệt là toàn xã hội phải cùng vào cuộc chứ không chỉ riêng ngành y.
Khẳng định nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt, ông Đào Xuân Cơ cho rằng cần có ba nguồn chính để triển khai chủ trương này. Một là, về bảo hiểm y tế, phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, toàn diện và đa dạng các hình thức bảo hiểm.
Hai là, Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để đầu tư, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cho y tế chuyên sâu.
Ba là, chúng ta cần nguồn lực quan trọng từ xã hội hóa. Chúng ta cần có chiến lược huy động từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các quỹ xã hội. Ở các nước phát triển, nhiều bệnh viện phi lợi nhuận hoạt động hiệu quả nhờ nguồn vốn từ xã hội hóa, từ các doanh nghiệp đầu tư vào quỹ an sinh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế để huy động mạnh mẽ nguồn lực này tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
"Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả ba nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030-2035 là hoàn toàn khả thi", ông Cơ khẳng định.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt cho y tế cơ sở, là hết sức quan trọng và cần có chiến lược thay đổi.
Vị này cho rằng, về chiến lược đào tạo, chúng ta không thể chỉ dựa vào điểm số cao để tuyển sinh vào các trường y rồi kỳ vọng họ sẽ về cơ sở. Thực tế là nhiều em điểm cao sau khi học xong sẽ tìm cách ở lại các đô thị lớn.
Do đó, cần có cơ chế tuyển dụng người địa phương, đào tạo họ rồi đưa họ trở về phục vụ chính quê hương mình. Chương trình đào tạo cho y tế cơ sở cũng cần điều chỉnh. Bác sĩ ở cơ sở phải là người đa di năng: vừa biết đỡ đẻ, vừa biết cấp cứu gãy xương đùi, nhồi máu cơ tim, biết tiêm phòng, chăm sóc răng miệng cơ bản, xử lý các bệnh thông thường... Họ không cần quá chuyên sâu như ở tuyến Trung ương nhưng phải giỏi về nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu ban đầu của người dân.
Bên cạnh đó, phải có chính sách phù hợp để bác sĩ yên tâm công tác tại cơ sở. Điều kiện làm việc, trang thiết bị thiết yếu, thuốc men cũng phải được bảo đảm.
Ba là, bệnh viện phải ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử liên thông từ xã lên huyện, tỉnh, Trung ương. Điều này giúp tuyến trên có thể hội chẩn, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tải cho tuyến trên và người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn ngay tại địa phương.
Khi y tế cơ sở mạnh, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, phòng bệnh tốt, nhiều bệnh lý được giải quyết ngay tại tuyến dưới, giảm đáng kể chi phí và gánh nặng cho cả người dân và hệ thống y tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/mien-vien-phi-toan-dan-la-mot-buoc-di-nhan-van-post880212.html
Bình luận (0)