Những ngày qua liên tục có mưa to, nhiều hộ dân khu vực tổ 4, tổ 9 phường Đức Xuân, tỉnh Thái Nguyên, thấp thỏm vì những điểm sạt trượt đất đồi sau nhà.
Vết nứt có đoạn rộng khoảng 2 mét, chiều dài hơn 20 mét. |
Bà Lưu Thị Loan, Tổ trưởng tổ dân phố 4, cho biết: Hiện khu vực ngõ 163 thuộc tổ 4 xuất hiện điểm sạt trượt mới. Ngay khi nhận được thông tin của người dân, cán bộ tổ dân phố đã kịp thời báo cáo và khẩn trương phối hợp cùng cán bộ phường Đức Xuân và người dân trong khu vực đi kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra cho thấy, vết nứt sạt trượt có đoạn rộng khoảng 2 mét, chiều dài hơn 20 mét. Phía dưới có nhiều ngôi nhà xây kiên cố, cao tầng liền kề nhau; khoảng cách từ nhà dân đến điểm sạt trượt cách khoảng hơn 30 mét.
Hộ bà Nông Thị Diệu có nhà dưới điểm sạt cho biết: Chúng tôi phát hiện hiện tượng sạt trượt từ đêm 3-7, nhưng lúc đó vết sạt trượt chưa lớn như hiện nay, những hộ trong khu vực cũng đã gọi nhau chủ động theo dõi để phòng tránh khi sạt lở đất. Gia đình tôi là hộ kinh doanh hàng điện lạnh, hàng hóa khá nhiều, tuy nhiên, do nguy cơ sạt lở nên chúng tôi rời khỏi nhà về ở cùng ông bà tại xã Bạch Thông (cách nhà hơn 20km). Ở đây an toàn hơn, nhưng không ai trông cửa hàng, chúng tôi luôn thấp thỏm, lo lắng; mong cấp trên sớm có phương án để yên tâm sinh sống, làm ăn.
Người dân khu vực tổ 4, tổ 9 phường Đức Xuân, lo lắng vì những điểm sạt trượt đất đồi sau nhà. |
Theo bà Lưu Thị Loan, Tổ trưởng tổ dân phố 4, mùa mưa năm 2024, khu vực tổ 4 đã có điểm nứt, sạt trượt, hàng trăm hộ dân khu vực giữa tổ 4 và tổ 9A bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Sau đó cấp trên đã có phương án xử lý, san gạt. Tuy nhiên, việc san gạt hiện nay chưa hoàn thiện, chưa có các rãnh thoát nước.
Năm nay dù mới bước vào mùa mưa nhưng nhiều hộ đã nơm nớp lo. Khi có mưa to, nước từ trên đỉnh đồi chảy xuống, xói mòn thành những rãnh sâu, trôi theo bùn đất; không có rãnh thoát, nước đã tràn cả vào nhà một số hộ dân.
Điểm sạt trượt cách nhà dân khoảng 30 mét. |
Cũng theo bà Loan, cứ mỗi trận mưa to, nước mưa chảy xuống QL.3, đoạn đường Kon Tum thường xuyên hứng lượng bùn đất lớn trôi theo dòng nước gây ách tắc, cản trở các phương tiện tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường... Khu vực này tiếp tục có điểm nứt, sạt trượt, nguy cơ sạt lở cao.
Bà Ma Minh Thu, người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng tại khu mới xử lý san gạt, cho biết: Cứ mưa to là nước với bùn đất chảy xối xả, mưa to kéo dài là nước tràn vào bếp do không có rãnh thoát, mỗi lần như vậy gia đình tôi phải gồng mình đêm hôm tát nước, dọn bùn đất. Tôi luôn lo lắng nếu nước cứ xối xả như vậy nguy cơ sạt lở đất sẽ rất cao.
Người dân tổ 4, phường Đức Xuân, mong các cấp, ngành liên quan sớm có phương án xử lý các điểm sạt trượt. |
Bà Lưu Thị Loan, Tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Đức Xuân, cho biết thêm: Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi các vết nứt, theo sát diễn biến thời tiết và thông báo, cảnh báo kịp thời đến người dân tại các điểm nguy cơ cao để chủ động phòng tránh, nhất là khi có mưa to, mưa kéo dài; kịp thời báo cáo cấp trên, di dời ngay các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ, tình huống sạt lở nguy hiểm. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành liên quan sớm có các phương án xử lý các điểm sạt trượt, giúp các hộ dân yên tâm sinh sống.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/nguoi-dan-phuong-duc-xuan-thap-thom-vi-nguy-co-sat-lo-dat-53e1305/
Bình luận (0)