
Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều hàng may mặc sang Mỹ nhất, nhưng tỷ trọng của Trung Quốc trên thị trường hàng dệt may Mỹ gần đây đã giảm xuống trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington căng thẳng. Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều nhà bán lẻ Mỹ tìm nguồn hàng từ các quốc gia khác như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ… để thay thế hàng Trung Quốc.
“Sự sụt giảm mạnh mẽ trong nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc trong tháng 5/2025 là hoàn toàn tự nhiên”, giáo sư Sheng Lu thuộc Đại học Delaware nhận định.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), Mỹ nhập khẩu 556 triệu USD hàng may mặc từ Trung Quốc trong tháng 5, giảm từ mức 796 triệu USD của tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp. Đây cũng là mức nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Trung Quốc trong 1 tháng thấp nhất kể từ tháng 5/2003.
Đầu năm nay, lường trước việc ông Trump áp thuế quan, các nhà bán lẻ Mỹ đã đẩy mạnh việc tích trữ hàng hóa. Bởi vậy, trong tháng 1, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 15% so với mức 1,47 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại song phương, phần lớn các công ty thời trang hàng đầu của Mỹ vẫn có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, nếu không phải là rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc - ông Lu nói.
Xu hướng này cũng được thể hiện rõ trong nhu cầu khảo sát nhà máy của các nhà bán lẻ Mỹ. Công ty kiểm toán QIMA cho biết dữ liệu của công ty này, dựa trên hàng nghìn cuộc khảo sát nhà máy và kiểm toán trên toàn cầu, cho thấy hoạt động lấy nguồn hàng từ Trung Quốc của các công ty bán lẻ Mỹ đã giảm gần 1/4 trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, và từ khu vực Đông Nam Á tăng 29%.
Dữ liệu của USITC cũng cho thấy Mexico là một quốc gia hưởng lợi từ việc Mỹ giảm nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc. Trong tháng 5, Mỹ nhập 259 triệu USD hàng may mặc từ Mexico, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của QIMA nói rằng xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc không phải là mới và tỷ trọng của Đông Nam Á trong nguồn nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ đã tăng đều đặn từ năm 2023.
“Dù chính sách thuế quan của Mỹ đã có một số thay đổi lớn trong quý 2 năm nay, hoạt động mua hàng của các thương hiệu và nhà bán lẻ Mỹ vẫn duy trì theo những xu hướng dài hạn đã được thiết lập từ trước đợt leo thang căng thẳng trong năm nay”, báo cáo của QIMA viết. Theo báo cáo, những tháng sắp tới có thể là một cuộc thử thách mới đối với chuỗi cung ứng của Mỹ vì việc tạm hoãn thuế quan đối ứng với các đối tác chưa đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ hết hạn, đúng vào thời điểm bắt đầu chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm.

Sau khi ông Trump gửi thư áp thuế quan lên 14 nước vào hôm thứ Hai tuần này, tổ chức nghiên cứu Yale Budget Lab ước tính rằng thuế quan bình quân của Mỹ đã tăng lên mức 17,6%, từ mức 15,8% trước đó và là mức cao nhất trong 9 thập kỷ.
Chính quyền ông Trump đang coi thuế quan là một nguồn thu ngân sách quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nói thu thuế quan năm nay đã đạt khoảng 100 tỷ USD và đến cuối năm có thể đạt 300 tỷ USD. Trong những năm gần đây, thu thuế quan hàng năm của Mỹ đạt khoảng 80 tỷ USD.
Nguồn: https://baolaocai.vn/nhap-khau-hang-may-mac-cua-my-tu-trung-quoc-xuong-thap-nhat-22-nam-post648403.html
Bình luận (0)