Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi thợ ảnh “thổi hồn” vào ký ức

Núi Sam - nơi Miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng tọa lạc, không chỉ là điểm hành hương tâm linh, mà còn là chứng nhân cho biết bao câu chuyện đời, chuyện nghề của những con người gắn bó nơi đây. Trong số đó, có một nghề thầm lặng là chụp ảnh lưu niệm.

Báo An GiangBáo An Giang10/07/2025

Những người thợ chụp ảnh âm thầm ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất cho du khách

Nghề của duyên phận

Ở khu vực Miếu Bà, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ ảnh với chiếc máy ảnh quen thuộc đeo trên vai, ánh mắt luôn dõi theo dòng người tấp nập. Với nhiều người, đây không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn là duyên phận gắn bó với “đất thiêng”. Anh Võ Tiệp Khắc, một thợ ảnh đã ngoài 40 tuổi với làn da rám nắng, chia sẻ: “Nghề này theo tôi từ hồi còn trẻ, đến nay đã hơn 20 năm. Hồi đó máy ảnh còn hiếm, mỗi tấm hình là cả một sự kiện. Giờ công nghệ hiện đại rồi, ai cũng có điện thoại thông minh, nhưng cái nghề chụp ảnh dạo này vẫn còn “đất sống”, vì không phải ai cũng có góc nhìn đẹp, hay biết cách bắt khoảnh khắc đâu”.

Quả thật, để có một bức ảnh đẹp tại Miếu Bà, người thợ ảnh không chỉ cần kỹ năng bấm máy, mà còn phải am hiểu địa hình, ánh sáng và quan trọng hơn cả là nắm bắt được tâm lý của du khách. Họ biết đâu là góc đẹp nhất để lấy toàn cảnh Miếu, đâu là vị trí lý tưởng để chụp ảnh với cảnh núi non hùng vĩ phía sau, hay làm sao để bắt được nụ cười rạng rỡ của một gia đình đang cầu nguyện.

Vui, buồn với nghề

Nghề chụp ảnh dạo không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Những ngày nắng gắt, họ phải phơi mình dưới cái nóng gay gắt của miền Tây. Những ngày mưa dầm, công việc cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào lượng khách và sự “hào phóng” của mỗi người.

Tại Miếu Bà, đội ngũ gồm 19 tổ nhiếp ảnh, mỗi tổ 9 người, luôn miệt mài “tác nghiệp” để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ cho du khách. Anh Khắc chia sẻ, ngày thường, có 2 tổ luân phiên trực, còn vào thứ 7, chủ nhật hoặc những dịp lễ, Tết khi khách đông, 3 tổ sẽ cùng trực chung một ca kéo dài cả ngày. Thu nhập của họ khá linh hoạt. Ngày vắng khách, anh Khắc kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng khi đông khách có thể lên tới 1 triệu đồng mỗi ngày. Anh em trong một tổ thường có khoảng 2 ngày trực mỗi tuần.

Theo anh Khắc, nhờ sử dụng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại, việc chụp và rửa ảnh đã trở nên nhanh chóng và đẹp hơn rất nhiều. Khách hàng giờ đây chỉ cần đợi khoảng 10 phút đã có ảnh, thay vì phải mất gần 1 - 2 giờ như trước. Ông Phan Văn Sơn (62 tuổi, ngụ phường Châu Đốc), người đã gắn bó hơn 30 năm với nghề chụp ảnh tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cho biết: “Người thợ phải liên tục nâng cao tay nghề và học hỏi kỹ thuật chụp ảnh để thu hút khách”.

Với số lượng thợ ảnh đông đảo, việc đăng ký vào “Đội nhiếp ảnh núi Sam” đã góp phần quản lý tốt hơn và đảm bảo tính kỷ luật. Dù vậy, những người thợ ảnh tại đây luôn giữ nguyên tắc hỗ trợ và không cạnh tranh lẫn nhau. Ông Sơn tâm sự: “Gắn bó theo nghề được ví như “làm dâu trăm họ” này, chúng tôi hiểu để sống được với nghề không phải dễ dàng gì, nên phải nương tựa nhau”. Hiện, lượng khách cần thợ chụp ảnh đã giảm nhiều so với trước, khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Để duy trì cuộc sống, nhiều người phải làm thêm các công việc khác như phụ hồ, chạy xe ôm hoặc chụp ảnh tự do ở những điểm du lịch khác.

Hơn cả một bức ảnh

Điều gì khiến du khách vẫn tìm đến những người thợ ảnh dạo giữa thời đại công nghệ số? Câu trả lời nằm ở giá trị cảm xúc và sự chuyên nghiệp mà họ mang lại. Không chỉ chụp ảnh, những người thợ ảnh ở đây còn kiêm luôn vai trò “hướng dẫn viên bất đắc dĩ”. Họ sẵn sàng chỉ đường, giới thiệu những nét đặc sắc của khu di tích, hay chia sẻ những câu chuyện thú vị về Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Chính sự nhiệt tình, chân chất ấy, tạo nên nét riêng, góp phần làm nên sự mến khách của vùng đất này.

Có những khách rất dễ tính, hài lòng ngay từ lần chụp đầu tiên. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp khách sau khi nhận ảnh lại chê từng chi tiết nhỏ, thậm chí không muốn trả tiền. Trong những tình huống như vậy, những người thợ luôn giữ thái độ thân thiện, trao đổi nhẹ nhàng, tình cảm. Nếu khách không ưng, họ sẵn sàng rửa cho khách bức ảnh khác hoặc thậm chí hoàn tiền lại. Mỗi bức ảnh có giá từ 60.000 - 120.000 đồng, tùy kích cỡ.

Dù có điện thoại “xịn”, nhiều du khách vẫn chọn tìm đến những người thợ ảnh chuyên nghiệp. Cô Vui (đến từ tỉnh Vĩnh Long) vui vẻ cho biết: “Tôi tìm thợ chụp ảnh trước là vì bản thân chụp không đẹp, sau là để lưu lại những bức ảnh đẹp nhất, cũng là ủng hộ anh em nhiếp ảnh ở đây. Mọi người rất ân cần, chiều ý khách, giá cả cũng phải chăng”. Điều này cho thấy, dù công nghệ phát triển, những người thợ ảnh tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn giữ vững vị trí của mình bằng sự tận tâm, tay nghề và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, góp phần tạo nên những kỷ niệm đẹp cho du khách thập phương.

Mỗi bức ảnh chụp ra không chỉ là một khoảnh khắc được lưu giữ, mà còn chứa đựng những câu chuyện đời. Đó có thể là niềm vui của một gia đình vừa hoàn thành chuyến hành hương, sự trang nghiêm của một người con đang cầu nguyện cho cha mẹ, hay ánh mắt hạnh phúc của một cặp đôi đang ghi dấu tình yêu...

PHƯƠNG LAN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/noi-tho-anh-thoi-hon-vao-ky-uc-a424078.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm