Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Núi Bà Đen: Mỗi bước chân, một dấu nhớ

Núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ và những câu chuyện tâm linh huyền bí.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh12/05/2025


Núi Bà Đen từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm.

Những ngày tháng năm, tiếng ve râm ran đâu đó giữa những tán phượng đỏ cháy một mùa thương, bừng thức sau một mùa xuân lặng lẽ. Một buổi sáng cuối tuần thư thả, tạm gác lại những lo toan thường nhật, khám phá núi Bà Đen để hòa mình vào thiên nhiên thực sự là một ý tưởng tuyệt vời! Bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mới, trong lành của không khí buổi ban mai, lắng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn đất trời và lòng người giao cảm.

Núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ và những câu chuyện tâm linh huyền bí. Từ chân núi, bạn sẽ có nhiều cách để khám phá thưởng ngoạn: đi cáp treo, leo cầu thang hoặc đi bộ trekking đường rừng để đến khu vực chùa và đỉnh thiên sơn lừng danh. Tuy nhiên, chinh phục ngọn núi bằng đôi chân của mình lại mang đến một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ đến nhường nào. Đó là cách mà không ít người dân Tây Ninh quê tôi lựa chọn.

Bình minh thức giấc, vạn vật còn mơ màng trong làn sương mỏng. Từ xa, núi Bà Đen hiện ra như một chiếc nón úp ngược màu xanh thẫm, sừng sững giữa gió núi. Mây trời mềm mại như dải lụa ôm ấp lấy triền núi, lưng núi và đỉnh núi cao vút kiêu hãnh, lúc ẩn lúc hiện, tạo nên một khung cảnh huyền ảo và thơ mộng. Tôi có cảm giác, cả ngọn núi như đang vươn mình thức dậy sau một giấc ngủ dài, khoác lên mình chiếc áo choàng mây khói bồng bềnh, đẹp đến nao lòng!

Trong hành trình khám phá, bạn có thể lựa chọn nhiều cung đường khác nhau để trải nghiệm, mỗi con đường đều mang một vẻ đẹp riêng. Đường chùa là con đường dễ đi nhất, với những bậc thang đá uốn lượn dẫn qua các ngôi chùa cổ kính.

Đường cột điện lại thử thách hơn với những dốc đá cheo leo và những tán cây rừng rợp bóng mát. Dù bạn chọn con đường nào, bạn cũng sẽ được hoà mình vào thiên nhiên tươi đẹp, ngắm nhìn những loài cây cỏ đa dạng và lắng nghe tiếng vọng của núi xanh.

Các bạn trẻ háo hức đến tham quan núi Bà Đen.

Tôi quyết định leo núi đường chùa, điểm dừng chân đầu tiên là chùa Trung - Linh Sơn Phước Trung, để cảm nhận sự thanh tịnh, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và lặng nghe tiếng chuông chùa vang ngân trong sương sớm.

Ngôi chùa này toạ lạc ngay dưới chân ngọn núi linh thiêng, không chỉ là một chốn tâm linh thanh tịnh mà còn mang trong mình dấu ấn lịch sử đáng tự hào. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, năm 1946, nơi đây từng là địa điểm hội họp quan trọng của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh.

Khuôn viên chùa rộng hơn 2.329 m², thoáng đãng và an lạc. Kiến trúc chùa mang đậm nét truyền thống của Nam Bộ với mái xếp tầng duyên dáng và các góc mái cong vút, được trang trí tỉ mỉ. Ngay tại cổng ra vào, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tạo cảm giác an lạc và gần gũi với thế giới xung quanh. Mọi ranh giới, mọi khổ đau dường như tan biến, chỉ còn lại sự kết nối sâu sắc với một nguồn năng lượng an lành và yêu thương. Bên trong chánh điện, những bức phù điêu chạm khắc trên tường cao kể về cuộc đời các vị sư tổ Phật giáo.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có tượng đài Dũng sĩ núi Bà Đen bằng đá nguyên khối, một biểu tượng ghi nhớ những đóng góp của người dân Tây Ninh trong lịch sử đấu tranh. Ghé thăm chùa Trung, bạn không chỉ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn mà còn có cơ hội khám phá một di tích lịch sử, văn hoá ý nghĩa của vùng đất lửa Tây Ninh.

Trong làn sương sớm mỏng manh, tiếng chuông chùa Trung ngân lên. Âm thanh ấy dịu dàng lan toả, như một lời chào buổi sáng an lành gửi đến muôn người, muôn loài. Không ồn ào. Không vội vã. Cứ thế khoan thai vọng ra. Tiếng chuông trầm ấm, dịu êm, hoà quyện vào không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai, tạo nên một cảm giác thanh bình đến lạ. Nó như một hơi thở nhẹ nhàng của núi rừng, một lời ru êm ái xoa dịu mọi muộn phiền, để lòng người lắng lại, cảm nhận sự bình tâm trong từng khoảnh khắc.

Càng lên cao, không khí càng trở nên trong lành và mát mẻ. Tiếng chim hót líu lo đâu đó vọng lại, hoà cùng tiếng gió xào xạc qua những tán lá, tạo nên một bản giao hưởng du dương của núi rừng. Thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp những khóm hoa dại ẩn mình khoe sắc thắm tươi giữa màu xanh bạt ngàn. Dọc theo con đường, có những nhà chờ. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi và cảm nhận cảnh quan trong những khoảnh khắc bình yên trong tâm hồn.

Trên hành trình, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người.

Có những bạn trẻ tràn đầy năng lượng, háo hức chinh phục đỉnh cao, tiếng cười nói rộn rã cả một đoạn đường. Họ đi theo nhóm, cùng nhau vượt qua những đoạn dốc, chia sẻ từng ngụm nước, động viên nhau tiến bước. Có lẽ đã quen thuộc với con đường này, họ leo núi như một hình thức rèn luyện sức khoẻ hằng ngày.

Bạn cũng sẽ thấy những gia đình cùng nhau leo núi, từ những em bé tò mò khám phá thiên nhiên đến những người lớn tuổi chậm rãi tận hưởng không khí trong lành. Hình ảnh cả nhà cùng nhau đổ mồ hôi, cùng nhau ngắm cảnh sẽ là một khoảnh khắc ấm áp.

Không thể thiếu những người hành hương với lòng thành kính hướng về chùa Bà. Họ có thể đi một mình hoặc theo đoàn, bước chân chậm rãi an yên, trang nghiêm, mang theo những lễ vật đơn giản.

Thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp những người nước ngoài đầy tò mò và thích thú khám phá vẻ đẹp tự nhiên và văn hoá tâm linh của Việt Nam. Họ dừng chân chụp ảnh, trầm trồ trước khung cảnh hùng vĩ.

Những ánh mắt thân thiện, những nụ cười khích lệ, hay đơn giản chỉ là một cái gật đầu chào nhau cũng đủ để tạo nên một không khí ấm áp và sẻ chia trên hành trình leo núi Bà Đen. Chính sự đa dạng này đã làm cho chuyến đi thêm phần thú vị và đáng nhớ.

Con đường dẫn lên chùa Bà hiện ra trước mắt giữa những tán cây cổ thụ rợp bóng mát như những chứng nhân thầm lặng của bao thăng trầm lịch sử. Những bậc thang đá ngày càng dốc hơn, cổ kính, nhuốm màu thời gian, đòi hỏi sự kiên trì và đôi chân vững chãi, dẫn lối du khách bước vào chốn linh thiêng.

Và mỗi bước chân vượt qua thử thách lại mang đến một niềm vui nho nhỏ khi bạn cảm nhận được sự thay đổi của cảnh vật xung quanh. Từ những khoảng trống giữa tán cây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn xuống, chiêm ngưỡng những mái nhà ẩn hiện thấp thoáng dưới chân núi, những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài bất tận một miền xanh.

Sau khi vượt qua 1.500 bậc thang, bạn sẽ đặt chân đến chùa Linh Sơn Tiên Thạch, ở độ cao 350m, giữa lưng chừng núi. Đây là hệ thống chùa Bà hay còn gọi là chùa Phật, chùa Thượng; được hình thành năm 1745 và xây dựng năm 1763, với diện tích khoảng 6.151 m². Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất, có tuổi thọ cao nhất ở Tây Ninh.

Điện Bà nằm trong hệ thống chùa Bà. Điện được dựng từ một hang đá nhô ra thành động, là điểm chính thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong hệ thống các chùa núi Bà. Điện Bà là nơi duy nhất tại Tây Ninh thờ pho tượng Linh Sơn Thánh Mẫu tại chính điện. Hằng năm, tại Điện Bà có rất nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng, trong đó lớn nhất là lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu diễn ra từ ngày 4-6.5 âm lịch. Đây cũng là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của người dân Nam Bộ.

Ngoài chùa Bà, bạn có thể thăm viếng chùa Hang- chùa Linh Sơn Long Châu. Chùa Hang gắn liền với huyền thoại “Ông đá nứt” ngay trước suối Vàng. Đây cũng là ngôi chùa trong hệ thống thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen. Khu vực chùa Hang hiện nay có đặt bia tưởng niệm 181 cán bộ chiến sĩ trinh sát thuộc Phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Miền (B2) đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chùa Quan Âm ở ngay động Ba Cô. Ngôi chùa nằm cao nhất trong quần thể chùa Bà Đen. Từ chùa Hang, bạn phải đi qua cả trăm bậc thang với độ dốc thẳng đứng mới lên được tới chùa Quan Âm. Nơi đây có Quan Âm tự thờ Quan Thế Âm Bồ Tát cùng nhiều miếu và hang động nhân tạo thờ Cô và thờ Mẫu.

Các hang động được hình thành bởi những phiến đá khổng lồ tự nhiên. Sau đó được trang trí thêm các thạch nhũ ở trên trần hang và tạo thêm tiếng nước chảy róc rách xung quanh, tạo cảm giác vừa linh thiêng vừa kỳ bí.

Khi đặt chân đến viếng chùa, bạn sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm và linh thiêng của miền đất thánh Tây Ninh. Kiến trúc độc đáo và không gian tĩnh lặng sẽ mang đến cho bạn những giây phút lắng đọng và suy tư. Đó là một cảm giác bình yên khó tả.

Những bước chân in dấu trên đá. Những khoảnh khắc lắng đọng trong tim. Từ chân núi mờ sương đến non cao lộng gió. Mỗi nỗ lực, mỗi khung cảnh, mỗi đức tin đều trở thành một dấu nhớ quý giá. Mỗi dấu nhớ ấy, dù là một giọt mồ hôi, một khoảnh khắc ngắm nhìn, hay một lời nguyện cầu thầm lặng, đều góp phần tạo nên một trải nghiệm Bà Đen không thể nào quên, một kho báu tinh thần âm thầm nuôi dưỡng trái tim ta trên những chặng đường hướng về tương lai.

Mai Thảo


Nguồn: https://baotayninh.vn/nui-ba-den-moi-buoc-chan-mot-dau-nho-a189961.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm