UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP và các cơ quan quản lý về ATTP các cấp nghiêm túc tổ chức kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm.
Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn; các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp quản lý.
Chú trọng kiểm tra, hậu kiểm các nhóm hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; phụ gia thực phẩm...
Thịt và sản phẩm từ thịt; thủy sản và các sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả... Sữa; rượu; đặc biệt là rượu sản xuất thủ công; nước giải khát; bánh, mứt, kẹo... Bún, bánh phở...
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, kiểm tra, hậu kiểm về điều kiện bảo đảm ATTP; về công bố sản phẩm; kiểm tra, hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu, trong đó lấy mẫu kiểm nghiệm theo thứ tự ưu tiên sản phẩm thuộc diện miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm, sản phẩm, lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra thông thường...
Đối với chất lượng sản phẩm thực phẩm, tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng các chất cấm trong thực phẩm như: Hàn the trong giò chả, Tinopal trong bún, Salbutamol trong chăn nuôi, Sibutramine trong sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân…; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu…
Tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu sản phẩm sau công bố; tập trung sản phẩm, nhóm sản phẩm phân cấp cho địa phương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, tiếp nhận bản công bố sản phẩm. Các cơ quan quản lý ATTP ngành Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương chủ động xây dựng kế hoạch lấy mẫu và xét nghiệm mẫu thực phẩm để hậu kiểm chất lượng sau công bố đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành...
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-trien-khai-cong-tac-hau-kiem-ve-an-toan-thuc-pham-3154701.html
Bình luận (0)