
Mang ánh sáng về bản
Những ngày cuối tháng 6, Nhóm từ thiện Hand In Hand Việt - Hàn, thuộc Đoàn Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) hành trình về thôn 2B, xã Trà Tân để thực hiện chương trình dân vận năm 2025.
Ông Hồ Thanh Bình, Trưởng thôn 2B cho biết, toàn thôn có 65 hộ người đồng bào Ca Dong sinh sống với 90% là hộ nghèo. Thôn nằm giữa đại ngàn, địa hình chủ yếu là đồi núi, đường vào thôn quanh co, hiểm trở, đời sống người dân muôn vàn khó khăn.
“Vì cách xa trung tâm thành phố nên nỗi lo của người dân nơi đây không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là thiếu thốn về y tế, giáo dục. Đến nay, toàn thôn vẫn chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt phải kéo từ suối về”, ông Bình trăn trở.
Thấu hiểu khó khăn ấy, nhóm từ thiện Hand In Hand Việt - Hàn triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa cho người dân và học sinh nơi đây.
Trưởng Nhóm từ thiện Hand In Hand Việt - Hàn Phạm Trần Ngọc Thuý cho biết, điểm nhấn trong chương trình lần này là công trình mang ánh sáng đến với đời sống người dân. Theo đó, các thành viên lắp ráp, trồng 15 trụ điện năng lượng mặt trời tại các điểm chính trên địa bàn thôn; tặng 20 bộ điện năng lượng chiếu sáng trong nhà cho các hộ dân.
Bên cạnh đó, tặng 65 phần quà là nông cụ, vật dụng hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, lao động. Ngoài công trình chiếu sáng, các thành viên còn hỗ trợ về giáo dục, y tế, chung tay cải thiện môi trường, điều kiện học tập cho học sinh tại tại đây. Cụ thể, tặng 80 phần quà là đồ dùng học tập, áo ấm cho học sinh; xây dựng khu vui chơi, sân đá bóng, lắp đặt thùng rác, tủ thuốc y tế, tặng quà cho thầy cô giáo,... Tổng giá trị hơn 150 triệu đồng.
Sinh viên Nguyễn Anh Nhã (khoa Khoa học máy tính) chia sẻ: “Chương trình dân vận không chỉ là cơ hội để sinh viên trải nghiệm, hoàn thiện bản thân mà còn là dịp để thế hệ trẻ cống hiến sức khỏe, trí tuệ, thể hiện vai trò, trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương đất nước nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng”.
Kết nối tri thức
Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng của xây dựng nông thôn mới, mở đầu chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh 2025, 50 sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tiếp nhận 50 học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (phường Hải Vân) làm “em kết nghĩa”.
Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên cho biết, đây là hoạt động trọng điểm của Đội hình Tri thức trẻ nhằm đồng hành, giúp các em học tập.
Sinh viên Võ Thị Hà Linh (khoa Lý - Hóa) tiếp nhận “em kết nghĩa” là Võ Nguyễn Thanh Ngân (lớp 8/1) để hỗ trợ, hướng dẫn học tập trong năm học tới. Để chương trình đạt hiệu quả, Đoàn Trường Đại học Sư phạm cho các em học sinh mượn máy tính sách tay, tặng tập vở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng cao học tập.
Theo ông Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, chương trình “Em kết nghĩa” không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ học tập, mà còn là hành trình kết nối tri thức, khơi dậy ý chí và nỗ lực vươn lên trong mỗi học sinh, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Trước đó, Trường Đại học Sư phạm cũng cử chuyên gia về tập huấn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học cho giáo viên nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Đoàn Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cũng vừa hoàn thành chương trình mùa hè xanh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Nước Oa (xã Trà My).
Để hỗ trợ học sinh vùng cao cải thiện điều kiện học tập, đoàn trường tặng 3 tủ sách với hàng trăm đầu sách giúp học sinh có thêm nguồn tư liệu để học tập, mở rộng kiến thức. Đồng thời sơn sửa 50 giường tầng tại khu nội trú, cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh.
Chưa hết, đoàn trường còn trao 5 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh vượt khó; tặng hàng trăm phần quà là sách vở, dụng cụ học tập, ba lô, quần áo,… nhằm tiếp thêm động lực cho học sinh vùng cao vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Nguồn: https://baodanang.vn/sinh-vien-gop-suc-xay-dung-nong-thon-moi-3265224.html
Bình luận (0)