Lễ cưới theo nghi thức của đồng bào dân tộc Khmer qua phần thể hiện của sinh viên lớp DH22QTS02.
Cô Hoàng Thị Ánh Tuyết, giảng viên môn “Quản trị sự kiện và hội nghị”, cho biết: “Khi kết thúc môn học, tôi yêu cầu mỗi lớp tổ chức một sự kiện để thực hành những kiến thức vừa học; đồng thời tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc. Do đó, 2 lớp thuộc ngành Quản trị khách sạn, Khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn đã chọn tổ chức lễ cưới của người Kinh và Khmer ở Nam Bộ”.
“Hương sắc giao duyên” là sự kiện do Lớp DH22QTS01 tổ chức tại hội trường E1 của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Thông qua việc tái hiện sinh động hình ảnh một đám cưới miền Tây vào những năm 1990, các bạn trẻ tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ và nhắc nhớ những hoài niệm, ký ức một thời. Từ cổng hoa kết lá dừa, áo bà ba, áo cưới, hoa cưới cô dâu là hoa huệ, bàn thờ gia tiên, bàn tiệc quê với lẩu cù lao… đều được chuẩn bị chu đáo. Các bạn sinh viên nhập các vai trong hoạt cảnh khá tự nhiên và sinh động. Các nghi thức quan trọng của ngày cưới, đãi tiệc, văn nghệ… đều được thực hiện đầy đủ. Tất cả đưa người dự sự kiện trở về với không khí rộn ràng, ấm áp của một đám cưới Nam Bộ thời kỳ đổi mới.
Sinh viên Phan Hải Thế, Lớp trưởng Lớp DH22QTS01, chia sẻ: “Chúng em đã chuẩn bị khoảng 1,5 tháng cho sự kiện này. Từ nghiên cứu các tư liệu, lên ý tưởng đến triển khai thực hiện. Tuy còn một số hạn chế nhưng chúng em rất vui vì chương trình đã thành công và diễn ra đúng kế hoạch. Qua sự kiện này, chúng em không chỉ có thêm những bài học, kinh nghiệm khi tổ chức, quản lý sự kiện mà còn thêm hiểu, thêm yêu văn hóa của dân tộc”.
Trong khi đó, Lớp DH22QTS02 chọn tổ chức lễ cưới của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Đây là một thử thách không nhỏ, tuy nhiên, với sự đầu tư và thái độ làm việc nghiêm túc, các bạn sinh viên đã mang đến một màn trình diễn nhiều cảm xúc. Từ thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ đến các nghi thức truyền thống đều được tổ chức bài bản, khiến người xem có thêm những kiến thức về nghi lễ thiêng liêng, mang đậm yếu tố tín ngưỡng, gia đình và cộng đồng. Tiêu biểu như lễ rửa chân cha mẹ, lễ buộc chỉ cổ tay, nghi lễ cắt tóc… Những điệu múa, âm nhạc ngũ âm và trang phục truyền thống… càng tô đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer.
Sinh viên Võ Thị Minh Thư bộc bạch: “Em và các bạn gặp không ít khó khăn khi tìm hiểu và tổ chức sự kiện này. Mọi người đều cố gắng hết mình và cuối cùng đạt được kết quả khá tốt”. Với sinh viên Hà Khải Minh, người phụ trách tổ chức sự kiện thì văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chi tiết hay và thú vị, nhất là trong lễ cưới, điều đó giúp các bạn học hỏi thêm nhiều điều hay và có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, tổ chức hoàn chỉnh sự kiện.
Với những người tham gia sự kiện, 2 đám cưới không chỉ là hành trình về với ký ức và khám phá những điều mới lạ mà còn là dịp để nhìn nhận, học hỏi, tôn vinh và lưu giữ những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: LỆ THU
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tai-hien-net-van-hoa-truyen-thong-trong-le-cuoi-a186884.html
Bình luận (0)