Sáng 15-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; gắn với quyền chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc về áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, về định mức chi vượt trội quy định tại Nghị quyết và theo quy định của Chính phủ (ít nhất gấp từ 3 lần đến gấp 5 lần so với định mức hiện tại); bảo đảm quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết quy định về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Về bảo đảm chế độ hỗ trợ cho nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho người tham gia công tác xây dựng pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án; tán thành việc trình dự án theo trình tự, thủ tục rút gọn; hồ sơ dự án đầy đủ, đúng quy định.
Ủy ban nhận thấy, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Do đó, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; đồng thời, nhất trí việc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng như Chính phủ đề xuất, vừa có quy định chung, khái quát, mang tính nguyên tắc, vừa có một số quy định cụ thể để có thể thi hành ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, sớm đưa chủ trương, chính sách mới của Đảng tại Nghị quyết số 66-NQ/TƯ và các nghị quyết có liên quan vào cuộc sống.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/tham-gia-cong-tac-xay-dung-phap-luat-duoc-ho-tro-100-muc-luong-thang-702330.html
Bình luận (0)