Giá trị lịch sử hình thành và phát triển
Năm 1698, Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) được cử vào kinh lược phía Nam, đánh dấu sự ra đời của phủ Gia Định (tiền thân của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh). Thời điểm đó, vùng đất này là một khu vực rừng rậm, đầm lầy, nhưng có vị trí liên thông với nhiều địa phương, hệ thống kênh rạch và đất đai màu mỡ. Dưới thời chúa Nguyễn, Sài Gòn được khai phá và trở thành trung tâm giao thương quan trọng của vùng đất Nam Bộ. Sài Gòn từng bước trở thành đô thị hiện đại với nhiều công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2-7-1976, Sài Gòn vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ đổi mới, Thành phố là địa phương đi đầu trong những sáng kiến đột phá, đầu tàu kinh tế; khơi nguồn nhiều chủ trương, chính sách kinh tế quan trọng của đất nước; là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, đau thương nhất bởi đại dịch COVID-19, nhưng vẫn kiên cường, mạnh mẽ vượt lên và tiếp tục đóng góp ngân sách lớn cho quốc gia. Trong giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, ủng hộ cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trên các lĩnh vực của Thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2025 ước tăng 1,5 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 8.400 USD, gấp 1,7 lần so với bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 30% so với giai đoạn trước, tốc độ tăng thu bình quân 7%/năm, đóng góp 26% tổng thu ngân sách quốc gia hằng năm. Kinh tế số phát triển mạnh, chiếm 25% GRDP…
Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng thương mại - dịch vụ cải thiện. Công nghiệp tập trung phát triển theo hướng ưu tiên các lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ. Nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng sinh thái đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh theo hướng chọn lọc nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và uy tín; từ năm 2020 đến nay, gần 225.000 doanh nghiệp được thành lập, chiếm 30% cả nước, tăng 8,3% so với giai đoạn trước. Các đột phá về thể chế, hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực được tập trung và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hạ tầng giao thông, đô thị được quy hoạch, đầu tư phát triển theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiệm cận tốp 100 thành phố năng động nhất thế giới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chăm lo cộng đồng, an sinh xã hội… được chú trọng phát triển song hành với phát triển kinh tế. Công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt bảo đảm sự ổn định và phát triển của Thành phố.
Tiếp nối kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, Thành phố có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là: GRDP ước tăng trên 8% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 17,3%; xuất khẩu ước tăng 13,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 16,2% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3 tỷ USD (bằng 2,69 lần so với cùng kỳ năm 2024). Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ “điểm nghẽn” của nền kinh tế đạt được kết quả tích cực bước đầu; Thành phố đã tháo gỡ 63 dự án trọng điểm, tác động dẫn dắt, khơi thông trên 86.000 tỷ đồng vốn đầu tư, với diện tích 923ha đất… góp phần thu ngân sách ước đạt 322 nghìn tỷ, đạt hơn 62% dự toán, tăng 20,4% so với cùng kỳ, qua đó chống tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội, tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn đã quay trở lại đầu tư phát triển tại Thành phố. Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và Đại lễ Phật đản năm 2025 đã được tổ chức thành công, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, để lại nhiều ấn tượng đẹp, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đạt được nhiều kết quả tích cực: Thành phố nằm trong tốp 5 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á (theo xếp hạng của StarupBlink); đã ký kết, hợp tác, khởi công nhiều dự án với các nhà doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước (như Viettel, NVIDIA, ADM, Evoluion). Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP liên tục tăng, góp phần thúc đẩy huy động vốn FDI vào hoạt động chuyên môn và khoa học - công nghệ với tổng vốn 1,2 tỷ USD trong quý II-2025. Thành phố đã phối hợp hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để kết nối hạ tầng số với hàng trăm đơn vị hành chính cấp xã; hoàn tất việc triển khai các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung, bảo đảm vận hành chính thức các nền tảng số cho chính quyền 2 cấp từ ngày 1-7-2025.
Bước chuyển đột phá phát triển và nhiệm vụ chiến lược, tạo nền tảng vươn mình
Ngày 12-6-2025, Nghị quyết số 202/2025/QH15, “Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”; trong đó, thành lập Thành phố Hồ Chí Minh (mới) trên cơ sở sáp nhập ba địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Thành phố (mới) có diện tích tự nhiên 6.772,59km2, quy mô dân số là 14.002.598 người; trở thành vùng lõi của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là quyết sách mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta - đánh dấu chương mới trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Quyết sách này không đơn thuần là “phép cộng” không gian địa lý, mà là sự hợp lực, tạo ra động lực mới, dư địa mới để phát triển ở tầm cao hơn, đẳng cấp hơn với tầm nhìn trở thành tốp 100 thành phố “đáng sống” trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tầm nhìn mới cho Thành phố Hồ Chí Minh (mới) là trở thành “siêu đô thị quốc tế” - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế, mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động. Thành phố Hồ Chí Minh (mới) sẽ là một trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực; với định hướng phát triển trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, bền vững về môi trường, xã hội hài hòa, gắn kết, rộng mở, kết tinh giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới; phấn đấu là nơi hấp dẫn, hội tụ nhân tài, doanh nhân trong nước và quốc tế, là nơi của cộng đồng khởi nghiệp, sáng tạo, ươm mầm những xu hướng và mô hình tiên tiến. Thành phố Hồ Chí Minh (mới) không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà phải là đô thị hiện đại có ảnh hưởng trong mạng lưới thành phố toàn cầu.
Từ những dư địa mới, trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, toàn Đảng bộ Thành phố tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm sau:
Một là, tập trung triển khai chính quyền địa phương 2 cấp “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Đây là mục tiêu tổng quát, hướng đến việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương, giảm bớt tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế, tăng cường năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó: “Tinh gọn” là giảm cơ quan, đơn vị, tổ chức không cần thiết, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “Mạnh” là tăng cường năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; “Hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” là bảo đảm bộ máy hoạt động có năng suất, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp; “Thần tốc, quyết liệt, vừa chạy vừa xếp hàng” thể hiện sự khẩn trương, quyết tâm cao trong quá trình triển khai, đồng thời bảo đảm tính đúng đắn, khoa học, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy.
Hai là, cụ thể hóa thực hiện đạt kết quả cao nhất các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị “bộ tứ trụ cột” bao gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”; Nghị quyết 59-NQ/TW, ngày 24-1-2025, về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025, “Về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025, “Về phát triển kinh tế tư nhân”. Theo đó, việc triển khai “bộ tứ trụ cột” nghị quyết phải bảo đảm yêu cầu: rõ chỉ tiêu, rõ chương trình và kế hoạch, rõ lộ trình cụ thể, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm.
Ba là, khẩn trương rà soát điều chỉnh, xây dựng quy hoạch mới cho Thành phố Hồ Chí Minh, với tầm nhìn “1 không gian - 3 khu vực”, trong đó khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hiện hữu đóng vai trò là “thủ phủ tài chính và công nghệ cao”, tập trung phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khu vực Bình Dương đóng vai trò “thủ phủ công nghiệp”, là trung tâm sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu là “thủ phủ kinh tế biển”, đóng vai trò là cửa ngõ cảng biển quốc tế, phát triển dịch vụ logistic, trung tâm công nghiệp năng lượng.
Bốn là, tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược “1 trung tâm - 4 cao - 1 tập trung”, với: “1 trung tâm” là hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; “4 cao” bao gồm: (i) Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (đổi mới sáng tạo; AI; GIS; Chip bán dẫn); (ii) Khu công nghiệp công nghệ cao; (iii) Giáo dục chất lượng cao; (iv) Y tế chất lượng cao; “1 tập trung” là tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng số bảo đảm đồng bộ, hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Năm là, tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng tầm vị thế đầu tư, trong đó: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính hướng đến “4 trọng điểm” về: chính quyền số; quản trị dựa trên kết quả, phân cấp, phân quyền; xây dựng nền hành chính phục vụ; giải quyết thủ tục hành chính thông thoáng - đúng pháp luật - đúng thời gian; thứ hai, nâng tầm vị thế đầu tư: Với mục tiêu đến năm 2030, Thành phố nằm trong tốp 3 xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tốp 1 địa phương hấp dẫn nhà đầu tư lớn.
Để đạt được mục tiêu này, Thành phố chú trọng cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực gắn với người dân và doanh nghiệp (cắt giảm các bước rườm rà liên quan công tác thu hút đầu tư; giảm thời gian cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không để người dân phải thủ tục cấp phép xây dựng ở nơi đã có quy hoạch chi tiết,…); tạo môi trường hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư lớn, có chính sách ưu đãi hấp dẫn, hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường sống tốt; nâng cao chất lượng điều hành kinh tế; đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, năng lượng và logistics là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; xây dựng môi trường sống tốt (bao gồm nhà ở, giáo dục, y tế, và văn hóa) là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người lao động và các chuyên gia.
Vì mục tiêu trở thành đô thị “đáng sống”
Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 - 2030 với không gian hợp nhất “ba cực kinh tế” năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị tài chính - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế biển có mật độ phát triển cao bậc nhất Đông Nam Á, với tầm nhìn phấn đấu vào tốp 100 thành phố “đáng sống” trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung hình thành 6 trọng tâm chiến lược với các công trình, dự án trọng điểm sau:
Thứ nhất, hình thành khu du lịch biển tầm cỡ thế giới (Hồ Tràm - Bình Châu - Long Hải - thành phố Vũng Tàu); phát triển các hình thức vui chơi giải trí đa dạng, hấp dẫn (như golf, hoạt động trò chơi biển, cảng du lịch, casino, nghỉ dưỡng sinh thái).
Thứ hai, hình thành khu mậu dịch thương mại tự do gắn với cụm cảng trung chuyển Cái Mép - Cần Giờ.
Thứ ba, phát triển khu đô thị sinh thái - du lịch - nghĩ dưỡng Cần Giờ gắn với Khu sinh quyển thế giới Cần Giờ.
Thứ tư, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và Trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu.
Thứ năm, phát triển khu đô thị lõi Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, hình thành Trung tâm công nghiệp - đô thị Bình Dương.
Với điều kiện thuận lợi về đặc trưng dân số trẻ, tầng lớp doanh nghiệp năng động, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và năng lực hội nhập cao, Thành phố cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế tư nhân đủ mạnh, đủ tâm và tầm. Kiên định mục tiêu phát triển toàn diện con người, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và chất lượng sống. Không chỉ là trung tâm kinh tế, Thành phố phải trở thành nơi “đáng sống”, nơi mỗi người dân được bảo đảm cơ hội phát triển, được chăm lo đầy đủ về sức khỏe, giáo dục, môi trường sống và sự an toàn. Thành phố mới sẽ đầu tư mạnh mẽ cho y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển thể chất, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Chăm lo an sinh xã hội toàn diện, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển; ưu tiên giải quyết thu hẹp mức chênh lệch phát triển giữa các địa bàn, nhất là khu vực mới sáp nhập và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Quá trình lịch sử phát triển hơn 300 năm, từ một vùng đất hoang sơ đến đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam, là một hành trình dài với nhiều thăng trầm nhưng luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Những giá trị truyền thống chính là nền tảng vững chắc để Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (mới) tiếp tục là trung tâm của đoàn kết, truyền cảm hứng phụng sự và dấn thân kiến tạo, đủ năng lực dẫn dắt một Thành phố không chỉ đi đầu trong nước, mà còn bứt phá trên bản đồ đô thị toàn cầu. Đây sẽ là dấu ấn riêng trong kỷ nguyên mới của Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành phố của đổi mới, hành động và khát vọng vươn xa./.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/1100202/thanh-pho-ho-chi-minh---thanh-pho-%E2%80%9Cdang-song%E2%80%9D%2C-vuon-minh-trong-ky-nguyen-phat-trien-moi.aspx
Bình luận (0)