Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tháo gỡ “điểm nghẽn” tại Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường

(Baothanhhoa.vn) - Sau chuyến vươn khơi, tàu cá TH 91427-TS của chủ tàu kiêm lái tàu Nguyễn Văn Độ và tàu TH 92323-TS của chủ tàu kiêm lái tàu Tô Văn Ngọ, quê xã Vạn Lộc cập Cảng cá Hòa Lộc (xã Hoa Lộc). Tàu của anh Ngọ có 8 lao động cùng đồng hành vươn khơi. Anh Ngọ đã có hơn 20 năm làm nghề đi biển, còn anh Độ có hơn 10 năm vươn khơi bám biển.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa07/07/2025

Tháo gỡ “điểm nghẽn” tại Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường

Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Hòa Lộc.

Anh Ngọ, anh Độ cũng như nhiều ngư dân gắn bó với nghề đi biển chia sẻ với chúng tôi, khó khăn hiện nay của ngư dân vươn khơi chính là nguồn lợi dần cạn kiệt, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu liên tục ảnh hưởng đến việc khai thác thủy sản. Tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường, khu vực trước cầu cảng không được nạo vét thường xuyên, nên bị bồi lắng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp, cảng và âu bị cạn, việc ra vào cảng để bốc dỡ hàng hóa cũng như vào âu tránh trú bão của các phương tiện khai thác rất khó khăn. Nhiều tàu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão phải chờ nhiều giờ, đợi thủy triều lên... Khi nước thủy triều xuống mức thấp nhất, phao neo nằm trên mặt bùn, gây khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Hơn nữa, diện tích khu neo đậu bị thu hẹp, nhất là khi vào tránh trú bão, tàu thuyền phải đợi nhiều giờ để chờ nước thủy triều lên mới vào được. Thực tế có nhiều tàu bị mắc cạn đã cản trở các tàu khác vào neo đậu. Một số cơn bão các năm vừa qua, có nhiều tàu cá đã phải chờ nước lên mới có thể vào neo đậu tránh trú bão được.

“Các tháng vừa qua, Cảng cá Hòa Lộc luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản 2017 về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định định kỳ hàng ngày, hàng tuần trên hệ thống loa truyền thanh tại cảng. Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão. Ban quản lý cảng cá thường xuyên tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trong cảng về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; ký hợp đồng với tổ vệ sinh môi trường của địa phương thu gom rác thải sinh hoạt trong khu vực cảng cá hàng ngày. Tổ chức dọn vệ sinh khu vực cảng cá, nhất là khi tàu cá giao nhận sản phẩm xong, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong cảng. Phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, công an xã đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cảng cá. Vì thế, đến nay cảng cá chưa xảy ra vụ việc nào gây mất an ninh trật tự. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại khu vực cảng để tổ chức quản lý điều độ; hướng dẫn tàu thuyền, các loại xe chở hàng hải sản và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho tàu... tránh ùn tắc, gây mất an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi tàu bốc dỡ hoặc giao nhận hàng hóa, bố trí lực lượng hướng dẫn tàu thuyền rời khỏi khu vực cầu cảng, tạo không gian cho tàu khác cập cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thu, kiểm tra nhật ký khai thác thủy sản; thu đúng, thu đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước” - ông Nguyễn Đình Ánh, Phó trưởng Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa, phụ trách Cảng cá Hòa Lộc chia sẻ.

Theo báo cáo của Cảng cá Hòa Lộc, 6 tháng đầu năm 2025 có 2.862 tàu ra và vào cảng, tổng hàng hóa thủy sản qua Cảng cá Hòa Lộc đạt 3.353 tấn. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Cảng cá Hòa Lộc 6 tháng đầu năm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Hoạt động của Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường khó khăn, vướng mắc hiện nay là do tình trạng luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng rất nghiêm trọng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp, uốn khúc quanh co, nhất là đoạn đầu cửa lạch. Vì vậy các phương tiện khai thác thủy sản ra, vào cảng bốc dỡ hàng hóa và kết hợp vào trong âu neo đậu, tránh trú bão gặp nhiều khó khăn. Những ngày con nước kém, nhiều tàu bị mắc cạn ngay ở cửa lạch, không vào được cảng để bốc dỡ hàng, phải đợi chờ rất lâu dẫn đến chất lượng thủy sản giảm, khó bán, giá thấp, gây khó khăn trong công tác điều hành và thu phí. Các tàu muốn vào cảng để bốc dỡ hàng hóa và vào âu tránh trú bão phải đợi con nước lớn mới vào được. Có chủ tàu phải bỏ tiền để thuê thuyền có công suất nhỏ chở hàng vào bến. Đối với những tàu có công suất lớn lại càng khó khăn hơn khi vào cảng, do đó nhiều tàu thuyền đã di chuyển đến nơi khác thuận tiện và an toàn hơn. Thực tế các năm vừa qua, tại đây có 10 vụ tàu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão đã bị mắc cạn, sóng xô lên bãi ngao bị hư họng nặng, thậm chí có tàu bị phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường mới được đầu tư xây dựng nhằm neo đậu an toàn cho 264 tàu thuyền nghề cá có công suất đến 400CV hoạt động ở vùng biển Thanh Hóa và các tỉnh lân cận vào tránh trú bão. Sau khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng (từ tháng 8/2016), công trình đã phát huy hiệu quả, hàng năm có khoảng từ 200 đến 250 lượt tàu, thuyền vào neo đậu tránh trú bão, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Tuy nhiên, hàng năm do mưa, lũ trên thượng nguồn đổ xuống với lượng phù sa lớn, cùng với việc nạo vét, khơi thông luồng lạch từ cửa Lạch Trường vào không được thực hiện thường xuyên, gây ra hiện tượng bồi lắng trong khu vực âu. Được biết hiện nay hai khu vực neo đậu (khu số 1 và khu số 2) đã bị bồi lắng rất lớn. Khu vực cửa vào âu khi triều kiệt mực nước chỉ còn khoảng 1m, tàu công suất nhỏ dưới 50CV mới vào được. Khu neo đậu của tàu 250CV đã bị bồi lắng từ 1 đến 1,5m.

Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó trưởng Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa, cho biết: Để Cảng cá Hòa Lộc và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường hoạt động có hiệu quả, đơn vị đã và đang kêu gọi đầu tư. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng cần có phương án đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch từ cửa Lạch Trường vào cảng. Đầu tư hệ thống cấp điện, nước, khu nhà quản lý của âu tránh trú bão, kè hai bên mái âu, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão an toàn, hiệu quả.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thao-go-diem-nghen-tai-cang-ca-hoa-loc-va-khu-neo-dau-nbsp-tranh-tru-bao-cho-tau-thuyen-nghe-ca-lach-truong-254242.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm