Phụ nữ dân tộc Mông ở xã Văn Lăng học nghề may công nghiệp. |
Lan tỏa nhận thức về bình đẳng giới
Xóm Lân Quan, xã Quang Sơn, là một trong những địa bàn khó khăn của tỉnh, phần lớn người dân là đồng bào Mông. Trước đây, tư tưởng cũ khá phổ biến, phụ nữ ít có cơ hội học tập, phát triển. Thực trạng này không chỉ ở riêng Lân Quan mà còn tồn tại khá nhiều ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khác của tỉnh.
Từ cuối năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên triển khai Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" (Dự án 8) tại nhiều xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có Lân Quan với cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Thay vì những buổi tuyên truyền khô khan, các tổ truyền thông cộng đồng với nòng cốt là người có uy tín và hội viên trong xóm đã tổ chức những buổi sinh hoạt giản dị nhưng vui như ngày hội.
Hằng tháng, bà con tụ họp luyện tập, biểu diễn văn nghệ, thể thao, sau đó bàn về bình đẳng giới, về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong không khí thân thiện, dễ tiếp nhận.
Mô hình “Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên” giúp đưa kiến thức pháp luật, kỹ năng sống đến từng hộ gia đình. "Trước đây tôi nghĩ phụ nữ chỉ cần lo việc nhà. Giờ tôi được học chữ, tham gia sinh hoạt hội, cùng chồng bàn bạc làm kinh tế và được tôn trọng hơn" - chị Trương Thị Ly, 47 tuổi, hội viên phụ nữ xóm Lân Quan, chia sẻ với ánh mắt tự tin.
Cùng với phụ nữ ở Lân Quan, tinh thần này lan rộng khắp từ các hoạt động của 586 tổ truyền thông cộng đồng được Hội LHPN các cấp thành lập. Từ năm 2021 đến nay, trên 1.400 hoạt động truyền thông, hội thảo, hội thi với nội dung về bình đẳng giới đã thu hút trên 95.000 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, 109 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các trường học đã thu hút gần 3.000 học sinh DTTS tham gia. Các em được trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, tảo hôn, buôn bán người và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - những vấn đề nhạy cảm nhưng cấp thiết với các em.
Đồng thời, 230 "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" trở thành nơi hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, tạo ra một mạng lưới an toàn toàn diện.
Bình đẳng giới gắn với phát triển kinh tế
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, chị Vi Thị Vân, dân tộc Dao, ở xóm Cao Phong, xã Trại Cau, xây dựng được vườn trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 3.000m2 để phát triển kinh tế gia đình. |
Không chỉ dừng lại ở hoạt động tuyên truyền, Dự án 8 còn được lồng ghép hiệu quả với công tác giảm nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các cấp hội LHPN tích cực đẩy mạnh vận động hội viên phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế để chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đặc biệt, các cấp hội còn triển khai thực hiện mô hình tổ/nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng DTTS. Tham gia mô hình, phụ nữ được tập huấn hướng dẫn nâng cao năng lực, kiến thức khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc của sản xuất hữu cơ...
Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã thành lập 20 tổ sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0, với trên 200 phụ nữ vùng DTTS tham gia làm chủ hoặc quản lý. Một số mô hình tiêu biểu như Hợp tác xã Hoàng Mười, xã Thượng Minh, sản xuất miến dong; Tổ hợp tác bánh chưng đen và bảo tồn cây dược liệu, xã Chợ Đồn; Tổ hợp tác sản xuất gạo J02, xã Kim Phượng...
Hoạt động thiết thực của Dự án 8 do Hội LHPN triển khai đã góp phần giúp đỡ trên 3.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo và cận nghèo. Quan trọng hơn, chị em ngày càng tự tin, chủ động phát triển kinh tế và tham gia công việc cộng đồng. Trẻ em được trang bị kỹ năng tự bảo vệ, còn nam giới cũng dần thay đổi nhận thức, tích cực đồng hành cùng phụ nữ. Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/thuc-day-binh-dang-gioi-gan-voi-sinh-ke-ben-vung-8e50e90/
Bình luận (0)