Bệnh tự miễn hiếm gặp gây tổn thương nhiều cơ quan
Bệnh nhân là ông D., có tiền sử hen phế quản, hút thuốc lá hơn 20 năm. Trong khoảng 4 tháng gần đây, ông liên tục sụt 7kg, thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, tê bì tay chân hai bên và ho khan về chiều tối.
Người dân cần đến cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu bất thường kéo dài như sốt, sút cân, tê bì, khó thở, đau ngực, đau cơ hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân. |
Nghi ngờ mắc ung thư, ông đã đi tầm soát nhưng kết quả không phát hiện bất thường. Khi tình trạng ngày càng nặng hơn, ông đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Tại đây, Ths.Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Khoa Cơ xương khớp) cho biết, qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sỹ ghi nhận nhiều dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, ông D. bị sốt cao trên 38 độ C, tê bì nhiều ở tay chân, chỉ số bạch cầu ái toan trong máu tăng cao gấp 10 lần bình thường (2.65 G/L), xét nghiệm kháng thể viêm mạch dương tính. Kết quả chụp CT ngực cho thấy có tổn thương kính mờ dạng viêm ở thùy trên phổi phải.
Không chỉ tổn thương phổi, người bệnh còn bị ảnh hưởng ở nhiều cơ quan khác như cơ tim (gây suy tim), thần kinh ngoại biên, và cơ bắp.
Kết quả sinh thiết cơ xác định có tình trạng thâm nhiễm bạch cầu ái toan, một loại tế bào miễn dịch thường liên quan đến phản ứng dị ứng hoặc rối loạn tự miễn.
Từ các dấu hiệu này, bác sỹ chẩn đoán ông Duy mắc u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch (EGPA), một bệnh tự miễn hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 0,5-4 người trên một triệu dân.
Ngay sau khi xác định chính xác bệnh lý, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và đưa ra phác đồ điều trị toàn diện. Ông D. được điều trị bằng thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch liều cao nhằm kiểm soát tình trạng viêm mạch và các biến chứng đi kèm.
Sau 9 ngày điều trị tích cực, các triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ rệt: bệnh nhân hết sốt, không còn tê bì chân tay, ăn uống tốt, đi lại bình thường, và các chỉ số xét nghiệm dần ổn định. Người bệnh hiện đang bước vào giai đoạn điều trị duy trì và được theo dõi chặt chẽ sau xuất viện.
Bác sỹ Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết, EGPA là một bệnh lý tự miễn rất hiếm, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể “nhận nhầm” mạch máu là tác nhân gây hại và tấn công chúng. Bệnh gây viêm các mạch máu nhỏ và trung bình, dẫn đến tổn thương ở nhiều cơ quan như phổi, tim, da, thần kinh, thận...
Nguyên nhân bệnh chưa được xác định rõ ràng, song thường liên quan đến rối loạn miễn dịch, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm xoang mạn tính và tình trạng tăng bạch cầu ái toan kéo dài.
Một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, di truyền, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất độc hại, đặc biệt là hút thuốc lá… cũng có thể góp phần kích hoạt đáp ứng miễn dịch bất thường, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Điều trị EGPA là một quá trình phức tạp, yêu cầu phối hợp giữa nhiều chuyên khoa như cơ xương khớp, miễn dịch, tim mạch và thần kinh để xây dựng phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân. Không chỉ dừng lại ở kiểm soát triệu chứng, việc điều trị cần được cá thể hóa, theo dõi lâu dài để hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng sống.
Bác sỹ Ngọc cảnh báo, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương tim, suy thận, huyết khối, đột quỵ, hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Triệu chứng của bệnh lại dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như ung thư hay viêm mạn tính, nên việc phát hiện sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Người dân cần đến cơ sở y tế nếu gặp các dấu hiệu bất thường kéo dài như sốt, sút cân, tê bì, khó thở, đau ngực, đau cơ hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Các cơ sở y tế có mô hình khám và điều trị đa chuyên khoa sẽ là lựa chọn phù hợp để đảm bảo người bệnh được chẩn đoán chính xác và điều trị toàn diện. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt bệnh lý mà còn ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.
Hệ quả sức khỏe khi tiếp xúc thời gian dài với thuốc bảo vệ thực vật
Sau 7 năm kết hôn mà chưa có con, anh H. (34 tuổi, Tiền Giang) mới phát hiện mình mắc vô sinh, nghi do 20 năm tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật mà không có biện pháp bảo hộ an toàn.
Trường hợp của anh là hồi chuông cảnh báo cho nhiều người lao động trong nông nghiệp về ảnh hưởng nghiêm trọng của hóa chất độc hại tới sức khỏe sinh sản.
Anh H. cho biết, từ nhỏ đã theo nghề trồng cây ăn trái. Gần 20 năm qua, anh thường xuyên phun thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ mà không mang khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng mong con nhưng mãi không có tin vui. Năm 2023, họ từng đến TP.HCM làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), song thất bại vì không thu được tinh trùng.
Tháng 3/2025, với hy vọng lần nữa, anh H. cùng vợ tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, IVF Tâm Anh TP.HCM. Tại đây, bác sỹ Nguyễn Công Danh, Đơn vị Nam học, Trung tâm IVF Tâm Anh tiếp nhận và thăm khám cho người bệnh. Kết quả cho thấy tinh hoàn của anh đã bị teo nhỏ, chỉ còn khoảng 6 ml (bằng một nửa bình thường). Xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy tinh trùng rất ít và có tới 96% tinh trùng bất động.
Dù xét nghiệm di truyền không phát hiện bất thường, nhưng anh H. có dấu hiệu mất cân bằng nội tiết nghiêm trọng, rối loạn trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục, gây suy giảm quá trình sinh tinh.
Ngoài ra, anh còn có biểu hiện nữ hóa như giọng nói mềm, tuyến vú phát triển cho thấy tổn thương đã diễn ra trong thời gian dài.
Theo bác sỹ Danh, các hóa chất có trong thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ có thể gây rối loạn nội tiết, làm giảm nồng độ testosterone, tăng hormone nữ (estrogen), từ đó gây teo tinh hoàn, giảm mật độ tinh trùng, tăng tỷ lệ tinh trùng bất động, thậm chí phá vỡ cấu trúc DNA tinh trùng.
Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, nguy cơ vô sinh nam tăng cao và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi nếu thụ thai thành công.
Ngay sau khi đánh giá toàn diện, bác sỹ Danh đã xây dựng phác đồ điều trị nội tiết cho anh H. nhằm cải thiện chất lượng tinh trùng. Trước khi bắt đầu điều trị, bác sỹ trữ đông một mẫu tinh trùng để dự phòng trong trường hợp điều trị không có kết quả.
Anh cũng được tư vấn sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ khi làm nông, bao gồm quần áo chống thấm, khẩu trang, kính bảo hộ và ủng. Ngoài ra, cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh thức khuya, ăn uống đủ dinh dưỡng để hỗ trợ nội tiết.
Sau một tháng dùng thuốc, tinh dịch đồ của anh H. cải thiện rõ rệt. Đến ngày vợ được chọc hút trứng, anh có thể lấy mẫu tinh trùng tươi để thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
Trong phòng thí nghiệm, chuyên viên phôi học đã chọn lọc 10 tinh trùng khỏe mạnh để tạo phôi. Quá trình nuôi cấy phôi trong hệ thống tủ Time-lapse hiện đại đã thu được 7 phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Sau khi chuẩn bị nội mạc tử cung cho người vợ, bác sỹ chuyển một phôi chất lượng cao vào tử cung. Hiện thai đã được 8 tuần, phát triển ổn định.
Bác sỹ Danh cảnh báo, việc tiếp xúc lâu dài với hóa chất độc hại mà không có biện pháp bảo vệ không chỉ ảnh hưởng khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở da, hệ hô hấp, thần kinh và cả ung thư. Ngoài tác động trực tiếp đến người dùng, dư lượng hóa chất còn gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Nam giới làm việc trong môi trường độc hại, nhiệt độ cao như tài xế, thợ cơ khí, tiếp xúc tia xạ, kim loại nặng, sống trong vùng ô nhiễm, hay mắc các bệnh viêm nhiễm nam khoa, rối loạn tâm lý… cũng dễ đối mặt với nguy cơ suy giảm chức năng sinh sản. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, là điều cần thiết.
Trong trường hợp chưa lập gia đình nhưng có nguy cơ vô sinh, bác sỹ khuyến cáo nên trữ đông tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Tại Trung tâm IVF Tâm Anh, công nghệ trữ đông tinh trùng, noãn và phôi bằng kỹ thuật thủy tinh hóa hiện đại giúp bảo quản vật liệu sinh sản trong môi trường nitơ lỏng -196 độ C, duy trì nguyên vẹn trạng thái sinh học và khả năng phát triển sau khi rã đông.
Với các cặp vợ chồng kết hôn trên một năm mà chưa có con, bác sỹ khuyên nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời nhằm tăng cơ hội có con và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Loãng xương ở tuổi 27 do thiếu vitamin D
Không có bệnh lý nền, không triệu chứng rõ ràng, Minh Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) bất ngờ phát hiện bị loãng xương khi đi khám sức khỏe định kỳ. Nguyên nhân được xác định là thiếu vitamin D, tình trạng ngày càng phổ biến ở người trẻ.
Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chuyên khoa Cơ xương khớp kết quả đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA cho thấy chỉ số Z-score của Minh Anh là -2.9, thấp hơn nhiều so với ngưỡng bình thường (Z-score ≥ -1.0) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Xét nghiệm máu ghi nhận nồng độ 25-OH vitamin D chỉ đạt 25 nmol/L, trong khi mức cần thiết để duy trì sức khỏe hệ xương là trên 50 nmol/L. Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị loãng xương thứ phát do thiếu vitamin D.
Minh Anh có sức khỏe tổng thể bình thường, chức năng gan, thận và nội tiết không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, người bệnh có lối sống ít vận động, làm việc văn phòng cả ngày trong nhà, rất ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Khi ra ngoài, Minh Anh luôn sử dụng kem chống nắng, mặc áo khoác dày, che chắn kỹ toàn thân. "Đây là những yếu tố điển hình dẫn đến thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xương", bác sỹ Ngọc nhận định.
Để phục hồi hệ cơ xương, Minh Anh được chỉ định bổ sung vitamin D liều điều trị, kết hợp canxi, thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động ngoài trời. Dự kiến sau 3 tháng, bác sỹ sẽ kiểm tra lại nồng độ vitamin D và mật độ xương để đánh giá hiệu quả điều trị.
Loãng xương vốn được xem là bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi, song hiện nay bác sỹ ghi nhận ngày càng nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 20-30 mắc loãng xương thứ phát. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, không ít ca bệnh trẻ được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc sau một lần bị gãy xương do va chạm nhẹ.
Theo bác sỹ Ngọc, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống hiện đại thiếu vận động, ít tiếp xúc ánh nắng, ăn uống thiếu dưỡng chất, hút thuốc lá, dùng thực phẩm chế biến sẵn hoặc lạm dụng thuốc. Một số người còn sử dụng kéo dài các loại thuốc như corticoid, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông, tất cả đều có thể âm thầm làm giảm mật độ xương.
Loãng xương ở người trẻ cũng có thể bắt nguồn từ rối loạn nội tiết (thiếu estrogen), cường giáp, viêm ruột, hội chứng kém hấp thu, viêm khớp tự miễn, suy gan hoặc suy thận.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu canxi tại ruột và thận, từ đó duy trì nồng độ canxi trong máu và giúp xương chắc khỏe. Cơ thể chủ yếu tổng hợp vitamin D qua da khi tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian trong không gian kín, tránh nắng quá kỹ và dùng kem chống nắng liên tục, khiến da không thể hấp thu ánh sáng để tổng hợp vitamin D tự nhiên.
Thiếu vitamin D không chỉ gây loãng xương mà còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch và chuyển hóa.
Nếu không phát hiện sớm, loãng xương có thể dẫn đến gãy xương, biến dạng cột sống, giảm chiều cao, gây đau mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và khả năng lao động, đặc biệt nếu gãy tại các vị trí như cổ xương đùi, cổ tay hay cột sống.
Bác sỹ Ngọc lưu ý, khối lượng xương đạt đỉnh ở độ tuổi 25-30. Nếu trong giai đoạn này, mật độ xương đã thấp, người bệnh sẽ không có đủ “dự trữ xương” cho tuổi già, làm tăng nguy cơ loãng xương sớm và nặng hơn khi lão hóa.
Vấn đề là loãng xương ở người trẻ thường không biểu hiện rõ ràng, ít gây đau, không giới hạn vận động, dễ bị bỏ qua cho đến khi phát hiện tình cờ qua đo mật độ xương hoặc sau một chấn thương nhẹ.
Chẩn đoán loãng xương không thể dựa vào cảm giác chủ quan, mà cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA, tiêu chuẩn vàng hiện nay. Ngoài ra, xét nghiệm máu định lượng vitamin D, canxi, phốt pho, PTH cũng được thực hiện để xác định nguyên nhân và mức độ thiếu hụt.
Với người chưa có dấu hiệu bệnh, việc tầm soát loãng xương định kỳ là cần thiết, đặc biệt nếu thuộc nhóm nguy cơ là người ít ra nắng, phụ nữ có rối loạn kinh nguyệt, người ăn chay trường, dùng corticoid kéo dài, có tiền sử gãy xương hoặc tiền sử gia đình bị loãng xương sớm.
Bác sỹ khuyến cáo nên duy trì lối sống lành mạnh: ăn uống đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D; vận động thường xuyên, ưu tiên hoạt động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày; tránh hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn và chất kích thích.
Thời gian tắm nắng lý tưởng là từ 6h30 đến 9h sáng hoặc sau 15h chiều, khi cường độ tia UV an toàn, giúp cơ thể tổng hợp vitamin D hiệu quả mà không làm tổn hại da. Nếu cần bổ sung vi chất, người bệnh nên dùng theo chỉ định của bác sỹ, tránh tự ý mua thực phẩm chức năng gây rối loạn chuyển hóa hoặc ngộ độc vitamin D.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-267-canh-bao-benh-tu-mien-hiem-gap-gay-ton-thuong-nhieu-co-quan-d341109.html
Bình luận (0)