Tổng thống Trump thừa nhận sự phức tạp khi mà nước Mỹ có thể phải "căng mình"tiến hành đàm phán thương mại với hàng loạt nền kinh tế trên thế giới. Phát biểu với các phóng viên trước khi rời đến Iowa vào ngày 3/7 (theo giờ địa phương), ông Trump cho biết, các bức thư sẽ được gửi tới 10 quốc gia cùng một lúc, nêu rõ các mức thuế quan mà Mỹ sẽ áp với hàng hóa nhập khẩu từ mức 20% đến 30%.
“Chúng ta có hơn 170 quốc gia, và bạn có thể ký được bao nhiêu thỏa thuận?. Chúng rất phức tạp”, ông Trump nhận định.
Sau ngày 2/7, nhà lãnh đạo Mỹ từng cho biết rằng ông kỳ vọng sẽ có “một vài” thỏa thuận chi tiết hơn với một số quốc gia. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, ông đã nói rằng sẽ ưu tiên thông báo cho hầu hết các quốc gia còn lại về một mức thuế cụ thể, bỏ qua các cuộc đàm phán chi tiết.
Những bình luận của Tổng thống Trump cho thấy rõ những thách thức mà chính quyền Mỹ hiện nay đang phải đối mặt để có thể hoàn tất hàng loạt thỏa thuận thương mại đề cập đến nhiều lĩnh vực - từ thuế quan cho đến các rào cản phi thuế quan như lệnh cấm nhập khẩu nông sản.
Hồi tháng 4, các trợ lý hàng đầu của ông Trump từng khẳng định rằng sẽ nỗ lực hoàn tất 90 thỏa thuận trong 90 ngày. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng lại vấp phải sự hoài nghi đến từ các chuyên gia thương mại - những người hiểu rõ tính chất phức tạp và tốn kém thời gian của các thỏa thuận thương mại trong quá khứ
Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với Bloomberg Television rằng khoảng 100 quốc gia có thể sẽ phải chịu mức thuế đối ứng 10% và dự đoán sẽ có hàng loạt thỏa thuận thương mại được công bố trước thời hạn ngày 9/7 – sau thời điểm trên,hàng hóa các nước vào Mỹ có thể chịu mức thuế quan cao hơn nhiều như những gì mà ông Trump từng tuyên bố hồi đầu tháng 4.
Khi đó vào ngày 2/4, ông Trump đã khiến thị trường thế giới chao đảo với việccông bố mức thuế quan đối ứng dao động từ 10% đến 50%. Tuy nhiên, ông đã tạm thời giảm mức thuế cho hầu hết các quốc gia xuống còn 10% để có thời gian đàm phán với Mỹ trước khi đến hạn chót vào ngày 9/7.
Nhiều quốc gia với mức thuế đối ứng ban đầu 10% vẫn chưa tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền của ông Trump, ngoại trừ Anh - quốc gia đã đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để giữ mức thuế 10% và được hưởng ưu đãi cho một số ngành như ô tô và động cơ máy bay.
Các đối tác thương mại lớn hiện vẫn đang thúc đẩy để sớm hoàn thiện thỏa thuận thương mại với Mỹ bao gồm Liên minh châu Âu (chịu thuế 20%), Ấn Độ (chịu thuế 26%), và Nhật Bản (chịu thuế 24%).
Trong số các đối tác lớn trên, EU dường như là bên đang có sự khả quan nhất định, nhưng lại không phải là hướng đến thỏa thuận cuối cùng trước hạn chót 9/7. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 3/7 tuyên bố EU đã "sẵn sàng cho một thỏa thuận" với Mỹ. Trả lời báo giới tại Đan Mạch, bà von der Leyen nhấn mạnh mục tiêu hiện tại của EU là đạt được một thỏa thuận mang tính nguyên tắc với Mỹ trước ngày 9/7.
Chủ tịch EC cho rằng đây là một nhiệm vụ to lớn, bởi EU và Mỹ hiện có kim ngạch thương mại song phương lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 1.500 tỷ euro (1.800 tỷ USD). Bà von der Leyen cho rằng với quy mô thương mại lớn giữa hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương, việc hoàn tất một thỏa thuận chi tiết trong khung thời gian 90 ngày hiện nay là "không thể".Chủ tịch EC cho biết EU vẫn ưu tiên giải pháp đàm phán, song đồng thời đã chuẩn bị sẵn phương án và biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của châu Âu khi không đạt được một thỏa thuận mong muốn.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tong-thong-trump-bat-ngo-thay-doi-chien-thuat-dam-phan-thue-quan-voi-hau-het-cac-nuoc/20250704095843064
Bình luận (0)