Dự buổi lễ có PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Kim Đĩnh, Cục trưởng Cục Công tác chính trị Bộ Công an; Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Bộ Công an; NSND Trịnh Thị Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an” lần thứ V, năm 2025 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây cũng là hoạt động văn hoá, văn nghệ trọng tâm chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sau 13 ngày thi diễn, các đơn vị đã biểu diễn 25 tác phẩm, trong đó có 15 vở Kịch nói, 4 vở Chèo, 2 vở Cải lương. Đáng chú ý, có 2 vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của 2 tác giả là cán bộ CAND, 7 vở diễn được sử dụng kịch bản tại các Trại sáng tác tác kịch bản sân khấu về chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức.
Thay mặt Hội đồng Giám khảo phát biểu tổng kết liên hoan, TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương nhận định: 25 tác phẩm tham dự liên hoan lần này là 25 mảnh ghép để tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hình tượng người chiến sĩ CAND. Bức tranh ấy mang dấu ấn lịch sử bởi đã kể cho chúng ta những câu chuyện về người Công an từ khi đất nước vừa giành được độc lập, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam thân yêu. Bức tranh ấy đa sắc màu, bởi ở đó khắc họa đậm nét nhiều góc cạnh, nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, khó khăn, nhiều góc khuất cuộc đời và ở trong đời sống xã hội đã và đang đè nặng lên đôi vai của người chiến sĩ CAND.
Trong sâu thẳm của bức tranh đó còn có các giá trị nhân văn, các giá trị ấy dẫn dắt người xem cảm nhận, chiêm nghiệm, tẩy rửa và thanh lọc tâm hồn để sống hướng thiện, làm những điều tốt đẹp, xóa bỏ những thứ xấu xa, cùng nhau xây dựng một xã hội hạnh phúc, văn minh. Sự lấp lánh và sáng trong của bức tranh này là tạo được cảm xúc mãnh liệt đối với khán giả bằng hình tượng người chiến sĩ CAND. Hình tượng ấy chứa đựng hạnh phúc, đắng cay, niềm vui, nỗi buồn, ý chí, nghị lực, khát vọng, yêu thương, gian khổ, khó khăn, vinh quang, trách nhiệm, trăn trở, suy tư, tài năng, bản lĩnh… và bao trùm lên tất cả là đức hy sinh. Hy sinh vì nhân dân, vì đất nước…
Tuy nhiên, TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng đồng thời chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế tại liên hoan như chưa có nhiều tác phẩm soi về quá khứ, có những tác phẩm sa đà, khai thác quá nhiều về tội phạm, về những suy nghĩ hành động tội lỗi, những toan tính âm mưu, những thủ đoạn xảo trá tới mức mất hết nhân tính của kẻ phạm tội nên hình ảnh người chiến sĩ Công an trong tác phẩm bị mờ nhạt. Một số vở diễn thiếu tính chân thật. Các nhân vật là chiến sĩ Công an bị hy sinh nhiều quá!
“Công an của chúng ta là “Công an nhân dân” nhưng chưa thấy vở diễn nào khai thác vấn đề “Người công an sống trong lòng dân”, “tình cảm của nhân dân đối với người chiến sĩ công an”, “sự gắn bó máu thịt giữa người dân và công an”, “Nhân dân là điểm tựa để tạo nên hình tượng người chiến sĩ công an” và còn rất nhiều vấn đề hay khác nữa nhưng chưa được khai thác”. “Lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu mới hiểu về người chiến sĩ Công an ở hình thức bên ngoài, ở những thông tin mà các cơ quan truyền thông đưa tin hàng ngày, chưa hiểu được hạt nhân, bản chất, những khó khăn gian khổ hy sinh, những sâu thẳm bên trong đã trở thành máu thịt của chiến sĩ Công an”, TS, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương nhận định.
Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao 5 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng cho vở diễn; 50 Huy chương Vàng, 50 Huy chương Bạc, 50 Huy chương Đồng cho diễn viên và 13 giải chuyên đề cho Đạo diễn xuất sắc; Đạo diễn âm thanh, ánh sáng xuất sắc; Diễn viên trẻ đóng vai chiến sĩ Công an xuất sắc; Họa sĩ sân khấu xuất sắc.
Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an” lần thứ V, năm 2025 trao 5 Huy chương Vàng cho 5 vở diễn: “Người thứ ba” (tác giả: Minh Anh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch CAND; “Trời xanh nơi đáy vực” (tác giả: Trúc Ngân; đạo diễn: Nguyễn Hoàng Tùng) của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; “Không gục ngã” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch Quân đội; “Cuộc đoàn tụ của cảm xúc” (tác giả: Hoài Hương; đạo diễn: Lê Quốc Na) của Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh; “Sấm dậy cửa Lạch Hới” (tác giả: Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn: NSND Nguyễn Toàn Thắng) của Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn.
8 vở diễn đoạt Huy chương Bạc: “Con về với mẹ” (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Trần Hoài Thu) của Đoàn Nghệ thuật Chèo – Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; “Một cuộc chiến khác” (tác giả: Tống Phương Dung; đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) của Sân khấu kịch Hồng Vân; “Nắng trong mắt bão” (tác giả: Nhà văn Chu Lai; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai – NSND Trần Nhượng) của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh; “Đối mặt” (tác giả: Trịnh Huyền; đạo diễn: NSND Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Hà Nội; “Bến sông trăng” (tác giả: Hồng Mặc Cát; đạo diễn: NSND Trương Hải Thọ) của Nhà hát chèo Hưng Yên; “Vùng trời bình yên” (tác giả: Minh Hương; đạo diễn: NSND Vũ Tự Long) của Nhà hát Chèo Quân đội; “Đoạn kết” (tác giả: Lê Qúy Hiền; đạo diễn: Đào Duy Anh) của Nhà hát Tuổi trẻ; “Ngược chiều bình an” (tác giả: Thiên Ân; đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu) của Nhà hát kịch Việt Nam.
Nguồn: https://cand.com.vn/van-hoa/trao-giai-lien-hoan-nghe-thuat-san-khau-chuyen-nghiep-ve-hinh-tuong-nguoi-chien-sy-cong-an-i774030/
Bình luận (0)