Trong báo cáo cập nhật mới nhất, chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Masan trong năm 2025. Sử dụng phương pháp tổng hợp từng phần (SoTP), BVSC định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là 89.200 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với những phiên giằng co và tâm lý đầu tư thận trọng, nhóm cổ phiếu tiêu dùng - bán lẻ tiếp tục nổi lên như điểm sáng nhờ vào sự ổn định trong kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Trong đó, MSN là cái tên đáng chú ý, không chỉ bởi những con số tích cực trong quý đầu năm 2025, mà còn nhờ vào chiến lược phát triển rõ ràng, khả năng thích ứng linh hoạt và định giá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
MCH - "Quán quân lợi nhuận" của hệ sinh thái Masan
MCH - công ty con chủ lực của Masan Group trong mảng hàng tiêu dùng - đã ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định bất chấp nhiều thách thức từ thị trường.
Trong quý I, MCH đạt doanh thu 7.489 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế tuy giảm nhẹ do thu nhập tài chính giảm, nhưng hoạt động cốt lõi vẫn cho thấy sức khỏe tài chính bền vững với biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 46,7% - thuộc nhóm cao nhất trong ngành FMCG tại Việt Nam.
Trong năm 2025, MCH dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi với việc ra mắt danh mục mới của Omachi mang tên "Quán xá châu Á" (Ẩm thực đường phố châu Á). Sáng kiến này hướng đến thị trường bữa ăn với mức giá dễ tiếp cận chỉ 1 USD, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã áp dụng trong các sản phẩm như lẩu tự sôi và cơm tự chín, mang đến những bữa ăn tiện lợi, chất lượng cao với chi phí hợp lý và thị trường tiềm năng rộng lớn.

"Quán xá châu Á" là sản phẩm nổi bật trong chiến lược cao cấp hóa ngành hàng thực phẩm tiện lợi của MCH.
Một điểm nhấn chiến lược khác được công bố tại Đại hội đồng cổ đông của MCH là mô hình ra mắt sản phẩm nhanh và hiệu quả - APLM - cho phép công ty giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi WinMart trước khi nhân rộng toàn quốc. Quá trình bắt đầu bằng các thử nghiệm nghiêm ngặt tại Trung tâm Đổi mới Tiêu dùng (CIC) của MCH, sau đó sản phẩm được ra mắt tại các cửa hàng WinCommerce, nơi phản hồi trực tiếp giúp tối ưu hóa sản phẩm.
Một số thương hiệu nổi bật như Wake-Up 247, Bupnon Tea365, Chanté là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả mô hình này, giúp rút ngắn thời gian ra mắt và gia tăng xác suất thành công thương mại. MCH cũng đang đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa thương hiệu, với doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng 22% trong năm 2024 và tiếp tục được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trung hạn.
Việc chuyển niêm yết sang sàn HoSE, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tùy vào điều kiện thị trường, cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cú hích lớn về mặt thanh khoản, sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế.

Mô hình APLM của MCH cho phép công ty giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi WinMart trước khi nhân rộng toàn quốc.
MSN - Cú chuyển mình chiến lược và kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ
Nếu như MCH là "cỗ máy lợi nhuận" trong hệ sinh thái Masan thì MSN là bệ phóng cho toàn bộ chuỗi giá trị này.
Quý I, Masan Group ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 18.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ tăng gần gấp 4 lần, đạt 394 tỷ đồng. Sự hồi phục này đến từ tất cả các trụ cột kinh doanh là Masan Consumer (MCH), WinCommerce (WCM), Masan MEATLife (MML) và Phúc Long Heritage (PLH), trong đó WCM - hệ thống bán lẻ chủ lực - đã đạt lợi nhuận dương sau quá trình tái cấu trúc.
Điểm sáng đáng kể là việc Masan đang thúc đẩy mạnh mẽ mô hình bán lẻ hiện đại thông qua việc mở rộng nhanh hệ thống WinMart và WinMart+, với mục tiêu mở hơn 1.900 cửa hàng mới tại khu vực nông thôn trong năm 2025. Song song với đó là chiến lược "Go Digital" - số hóa toàn diện từ vận hành, chuỗi cung ứng đến tương tác khách hàng, nhằm xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm mua sắm. Cộng hưởng giữa các thương hiệu mạnh và nền tảng bán lẻ giúp MCH, MML và các công ty thành viên khác hưởng lợi lớn từ độ phủ và sức mạnh kênh phân phối.

Chiến lược "Go Digital" dự kiến giúp Masan xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng thông minh, tối ưu hóa chi phí.
Về mặt tài chính, BVSC dự báo Masan sẽ đạt doanh thu cả năm 2025 khoảng 87.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 2.802 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2024. Dựa trên phương pháp định giá tổng tài sản (SoTP), giá trị hợp lý của MSN được tính toán ở mức 89.200 đồng/cổ phiếu - cao hơn 43,9% so với giá thị trường hiện tại là 62.000 đồng. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng thị giá còn lớn nếu các chiến lược trọng điểm tiếp tục được thực thi hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng nội địa đang phục hồi mạnh mẽ.
Không chỉ sở hữu nền tảng kinh doanh vững vàng, MSN còn đang tích cực tái cấu trúc để tối ưu hóa tài sản, giảm nợ và nâng cao hiệu quả sinh lời. Việc IPO MCH trên HoSE, cùng khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới, được kỳ vọng sẽ là những yếu tố kích hoạt dòng tiền vào cổ phiếu MSN.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trien-vong-cua-co-phieu-msn-20250515150741070.htm
Bình luận (0)