Tổng doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đạt 29,6 tỉ USD, trong đó phân khúc trực tuyến chiếm tới 69% doanh thu. Mỹ vẫn là thị trường có lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu và khoảng 84% doanh thu của công nghiệp âm nhạc Mỹ đến từ phát trực tuyến. Kế đến là các thị trường ở châu Á, Vương quốc Anh, châu Mỹ Latinh. Theo dự báo, quy mô thị trường âm nhạc ước tính đạt 33,32 tỉ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 50,2 tỉ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 8,54% trong giai đoạn dự báo (2025-2030).
Sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc phần lớn chịu tác động mạnh của các dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Các nền tảng âm nhạc Spotify, Tencent Music Entertainment, Amazon Music, Apple Music... đều có số lượng người đăng ký tăng mỗi năm. Cụ thể, dịch vụ phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới Spotify có 195 triệu người dùng trả phí trong quý III năm nay, vượt dự báo và tăng từ 188 triệu khách hàng trả phí trong quý trước. Ngoài ra, các mạng xã hội như YouTube, Instagram, TikTok... đều là nền tảng trực tuyến thu hút và lan tỏa âm nhạc mạnh mẽ. Cụ thể, YouTube hiện được xem là nền tảng phát âm nhạc trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn và rộng trên toàn cầu. “Despacito” của nghệ sĩ người Mỹ Latinh Luis Fonsi (ảnh) đã đạt 7,85 tỉ lượt xem, là ca khúc nhận được nhiều lượt xem nhất trên YouTube. Thành công này góp phần thúc đẩy sự phát triển và đầu tư vào âm nhạc khu vực Mỹ Latinh.
Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo lực đẩy và định hình lại cách thức sáng tác, sản xuất và phân phối âm nhạc. Al trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo, cho phép các nhạc sĩ vượt qua ranh giới, hợp lý hóa sản xuất và khám phá những khả năng sáng tạo mới. Quy mô thị trường Al ứng dụng trong ngành âm nhạc toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 38,7 tỉ USD vào năm 2033, tăng từ giá trị 4,9 tỉ USD của năm 2024. Theo đó, sự kết hợp giữa các nền tảng trực tuyến Spotify, Apple Music, Instagram… với AI cho phép các nghệ sĩ tiếp cận khán giả toàn cầu và tăng cường sự tương tác thông qua các tính năng và nội dung được cá nhân hóa. Người yêu nhạc hiện có xu hướng trải nghiệm nhập vai tại các buổi hòa nhạc, lễ hội. Với sự thích ứng nhanh, khu vực Bắc Mỹ hiện đang đứng đầu với thị phần ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp âm nhạc, trong khi châu Á và châu Mỹ Latinh nổi lên là những thị trường tăng trưởng nhanh.
Một xu hướng nổi bật trong ngành công nghiệp âm nhạc là các công ty trong ngành đang hình thành liên minh chiến lược sâu rộng với các máy ghi âm và các dịch vụ phát trực tuyến tiên tiến. Cụ thể, Sky Wire Broadcast đưa ra nhiều thiết bị hỗ trợ camera PTZ, bộ chuyển mạch video, máy phát video không dây… cung cấp cho các nền tảng phát trực tuyến để hỗ trợ người dùng có những trải nghiệm đa dạng về âm nhạc. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ phát nhạc trực tuyến cũng đưa ra nhiều gói dịch vụ đa dạng. Apple có thể hợp nhất Apple Music và Apple TV với dịch vụ phát trực tuyến video, mang đến đa dạng trải nghiệm âm nhạc cho người dùng.
BẢO LAM (Tổng hợp từ IFPI, Mordorintelligence, Financial Times)
Nguồn: https://baocantho.com.vn/xu-huong-thi-truong-am-nhac-truc-tuyen-a186886.html
Bình luận (0)