Nắm vững tổ hợp thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sẽ giúp học sinh hoạch định môn học lựa chọn cho lớp 10, đồng thời, chọn “tổ hợp vàng" để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Ngay sau khi trúng tuyển vào lớp 10, học sinh phải lựa chọn tổ hợp môn học để theo suốt 3 năm THPT. Không chỉ là môn học, việc lựa chọn này là một quyết định mang tính chiến lược, gắn liền với xét tuyển đại học và cả hướng nghiệp tương lai.

Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 (Ảnh: Thúy Hường).
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 quy định các môn học bắt buộc và môn học tự chọn theo định hướng. Trong 8 môn bắt buộc có 4 môn bắt buộc được đánh giá bằng điểm số là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử.
Các môn bắt buộc khác gồm: Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài 8 môn bắt buộc trên, học sinh phải chọn thêm 4 trong số 9 môn lựa chọn gồm: vật lý, hoá học, sinh học, tin học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, mỹ thuật và âm nhạc.
Về lý thuyết, học sinh có hàng trăm cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường có khoảng 5-8 tổ hợp, chủ yếu chia thành 2 nhóm tự nhiên và xã hội, tùy thuộc số giáo viên và cơ sở vật chất.
Sau 3 năm học, dựa theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 hiện hành, học sinh có thể hình dung việc tiếp tục chọn 4 môn để dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó, bắt buộc có toán và ngữ văn.
Ngoài ra, thí sinh chọn 2 môn trong số 9 môn đã học ở trường (hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ).
Ba loại tổ hợp cần phân biệt
- Tổ hợp học ở bậc THPT: Gồm 4 trên 9 môn lựa chọn (vật lý, hoá học, sinh học, tin học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, mỹ thuật và âm nhạc).
Học sinh sẽ học tổ hợp này suốt bậc THPT. Việc đổi tổ hợp chỉ được phép vào cuối mỗi năm học, gần như đồng nghĩa với chuyển lớp. Việc chuyển tổ hợp trên quy định là có song thực tế sẽ gặp khó khăn do cơ cấu tổ chức lớp đã được ấn định.
- Tổ hợp thi tốt nghiệp THPT: Từ 4 môn lựa chọn, thí sinh chọn 2 môn để thi tốt nghiệp THPT, gọi là tổ hợp môn tự chọn, bên cạnh 2 môn bắt buộc là toán và văn.
- Tổ hợp xét tuyển đại học: Tổ hợp này thường gồm 3 môn, được các đại học dùng để xét đầu vào. Trong đó, một số tổ hợp truyền thống được chọn lựa nhiều như: A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hoá, sinh), C00 (văn, sử, địa), D01 (toán, văn, Anh)…
Ngoài xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp xét tuyển đại học còn có thể được tạo thành môn thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi năng khiếu, điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, điểm học bạ THPT của các môn…
Với quy định thi 2 môn bắt buộc toán, văn và 2 môn tự chọn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 36 cách chọn tổ hợp môn thi. Cụ thể như sau:

Từ các môn học và thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học đã xây dựng nhiều tổ hợp xét tuyển tương ứng, mở rộng ngoài các khối truyền thống như A00, B00, C00, D01 để tích hợp thêm những môn học mới.
Ngoài ra, các trường có thể sử dụng: Điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi năng khiếu, điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ…
Theo thống kê, có khoảng 200 tổ hợp xét tuyển đại học. Dưới đây là tổng hợp sơ bộ các tổ hợp xét tuyển vào đại học để phụ huynh và học sinh có thể tham khảo.





ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng khẳng định chọn môn học THPT không chỉ để học, mà còn để “mở đường” xét tuyển đại học.
Ông giải thích, hiện nay, các trường đại học vẫn xét tuyển theo tổ hợp 3 môn hoặc nhiều hơn, mà những tổ hợp này chủ yếu dựa trên các môn toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế pháp luật.
“Nếu học sinh không học và không thi một môn nào đó ở THPT, thì hầu như sẽ không thể tham gia xét tuyển theo tổ hợp có môn đó”, ông Trị nói rõ hơn.
Do vậy, ngay từ lớp 10, học sinh cần định hướng sớm ngành nghề dự kiến để chọn tổ hợp phù hợp.
Ông lấy ví dụ, học sinh xác định sau này sẽ theo ngành y cần nhận định đa số xét khối B00 (toán, hoá, sinh) thì trong chương trình học ở bậc THPT ngoài toán là môn bắt buộc, cần học thêm hoá học và sinh học.
Phụ huynh và học sinh nên tra cứu website chính thức của trường đại học, xem ngành đó xét những tổ hợp nào và ghi lại 2–3 tổ hợp phổ biến để định hướng học tập.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/36-to-hop-thi-tot-nghiep-va-197-to-hop-xet-tuyen-dai-hoc-o-chuong-trinh-moi-20250713090100359.htm
Bình luận (0)