Tổng số lượt khám, chữa bệnh tại 2 tỉnh hàng năm đạt khoảng 8,5 triệu lượt. Công suất sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế đạt từ 83% trở lên. Các kỹ thuật hiện đại như: Chụp CT, MRI, nội soi tiêu hóa, lọc máu chu kỳ, tầm soát ung thư đã triển khai tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí cho người dân và nâng cao năng lực chuyên môn y tế địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều thách thức lớn với ngành y tế. Đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, nhất là tại tuyến y tế cơ sở và các lĩnh vực chuyên sâu như tâm thần, lao, phong, giải phẫu bệnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều đơn vị chưa được đầu tư đồng bộ, còn tình trạng xuống cấp, lạc hậu, đặc biệt tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa.
- Phóng viên: Cơ hội và thách thức cho ngành y tế sau hợp nhất tỉnh là gì, thưa ông?
- Bác sĩ Trần Quang Hiền: Việc hợp nhất ngành y tế hai tỉnh mở ra không gian phát triển mới, động lực đổi mới toàn diện, tạo thế và lực mới cho ngành. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng, việc hợp nhất cho phép An Giang tiếp cận nhanh hơn với các mô hình quản trị y tế hiện đại, tăng cường liên kết vùng, chia sẻ dữ liệu, đào tạo nhân lực và đầu tư trang thiết bị. Đây cũng là cơ hội “vàng” để tỉnh đổi mới mô hình tổ chức, điều hành ngành Y tế theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững; từng bước xây dựng hình ảnh y tế địa phương năng động, sáng tạo, vì sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo đà phát triển bền vững.
Bên cạnh cơ hội lớn, ngành y tế đối mặt không ít khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh chính trị, tư duy chiến lược và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành. Thách thức chủ yếu là tổ chức bộ máy mới có thể phát sinh chồng chéo chức năng, phân tán trách nhiệm; chênh lệch trình độ, quy mô, năng lực chuyên môn giữa các cơ sở y tế hai tỉnh, đòi hỏi ngành phải nỗ lực đồng bộ hóa, chuyển giao kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình. Áp lực giải quyết các tồn đọng trước đây như nhân lực thiếu, cơ sở vật chất yếu kém, tỷ lệ tiêm chủng thấp, quá tải bệnh viện… sẽ dồn lên vai bộ máy mới hợp nhất.
- Phóng viên: Ngành y tế có giải pháp gì để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân?
- Bác sĩ Trần Quang Hiền: Để vượt qua và biến thách thức thành động lực phát triển, ngành y tế triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược: Kiện toàn bộ máy tổ chức bài bản, khoa học, lấy hiệu quả làm thước đo, lấy phục vụ Nhân dân làm trung tâm; xây dựng quy chế phối hợp, phân công rõ ràng, hạn chế chồng chéo và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong điều hành. Ngành phát huy vai trò cán bộ chủ chốt làm hạt nhân đoàn kết, đổi mới, hội nhập. Đồng thời, phát triển đồng đều giữa các đơn vị, tránh vùng trũng chuyên môn; chuẩn hóa chuyên môn, đầu tư nâng cấp hạ tầng y tế.
Ngành y tế đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích đổi mới sáng tạo trong triển khai kỹ thuật, dịch vụ y tế mới; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, nhân văn, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu hành động. Mỗi cán bộ ngành y cần khắc ghi tinh thần “Trách nhiệm - tận tụy - tận tâm - trung thành với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
HẠNH CHÂU thực hiện
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/co-hoi-va-thach-thuc-nganh-y-te-sau-hop-nhat-a424506.html
Bình luận (0)