
Hiện trên đường ĐT609B đoạn qua thôn Quảng Huế, xã Đại Lộc không còn cảnh đoàn xe tải ben dừng xếp hàng dài để chờ hoặc chạy nối đuôi nhau vào bãi lấy cát xây dựng như trước đây do mỏ cát xây dựng trên sông Thu Bồn ở thôn Giao Thủy, xã Đại Lộc đã hết hạn giấy phép khai thác. Trước đó, mỏ cát xây dựng trên sông Vu Gia tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Hà Nha cũng hết thời hạn giấy phép khai thác.
Trong khi đó, mỏ cát tại thôn Hội Khách, xã Thượng Đức (hay còn gọi là mỏ cát Pha Lê) đã hoạt động trở lại sau một thời gian các cơ quan chức năng quyết liệt yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết các mâu thuẫn, đưa mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mỏ cát xây dựng Pha Lê đang được khai thác với công suất nhỏ.
Do nguồn cung khan hiếm, cát xây dựng được vận chuyển về một số bãi tập kết ở phường Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn... rất ít. Theo một chủ bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Hòa Xuân, trước đây, bãi này tập kết rất nhiều cát nhưng hiện đã được bán hết. Người này mới mua được 2 xe cát về để bán, nhưng do giá cát mua được quá cao nên bán tại bãi là 900.000 đồng/m3, cao gấp 2 lần so với tháng 3/2025.
Trong khi đó, một tài xế xe tải ben tại bãi tập kết cát ven đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết, cát đang bán tại đây được chở về từ bãi dự trữ của mỏ Pha Lê, có giá 850.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, theo một số tài xế xe ben chở cát, nếu khách cần thì có thể mua được từ những người tài xế loại cát xây dựng khác với giá rẻ hơn và tất nhiên là không có hóa đơn. Những tài xế này không tiết lộ cụ thể nguồn cát giá rẻ này được khai thác từ đâu...
Ông Nguyễn Văn Tài, một chủ thầu xây dựng tại phường Thanh Khê cho hay, so với giá dự toán của công trình, giá cát xây dựng mua thực tế cao gấp 3-4 lần. Đơn vị mới mua được một xe cát, nhưng thấy cát có chất lượng rất kém.
“Khi lấy nước cho vào ly đựng cát mới mua và ly đựng cát mua được từ tháng 5 còn lại, nước trong ly đựng cát mới mua đục ngầu và nhận định cảm quan thì thấy tỷ lệ bùn quá nhiều, chất lượng cát kém. Có khả năng loại cát này được khai thác lậu từ nguồn nào đó rồi đem bán với giá cao để trục lợi do thị trường khan hiếm cát xây dựng”, ông Tài bức xúc.
Còn bà Huỳnh Thị Vinh, một người bán cát tại phường Hòa Xuân cho hay: “Cát được mua về khan hiếm dần, mà một số xe cát được mua về có chất lượng không tốt như trước đây. Trong khi đó, mỏ cát Pha Lê lại đang được khai thác cầm chừng.
Với tình hình này, sắp đến, giá cát tiếp tục tăng, có khi giá cát tăng lên 1 triệu đồng/m3. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cho các mỏ cát khác khai thác để vừa bảo đảm nguồn cung cho thị trường, vừa bảo đảm chất lượng cát xây dựng cho các công trình và bình ổn giá cát”.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, để giải quyết tình trạng khan hiếm cát xây dựng, sở đã đề xuất báo cáo UBND thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét bãi bỏ quy định tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 02/2024/ TT-BTNMT ngày 22/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để có cơ sở triển khai thăm dò khoáng sản cát, sỏi lòng sông được thuận lợi, sớm đưa các mỏ vào khai thác.
Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét thống nhất cho phép UBND thành phố được khoanh định 3 khu vực mỏ cát xây dựng tại thôn Giao Thủy, xã Đại Lộc (trữ lượng còn lại khoảng 50.000m3 cát); tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Hà Nha (trữ lượng còn lại khoảng 150.000m3 cát); tại thôn Mỹ Hảo, xã Vu Gia (trữ lượng chưa cấp phép khai thác 367.357m3 cát) để cấp phép khai thác nhằm có ngay nguồn cung cát đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong năm 2025.
Nguồn: https://baodanang.vn/da-nang-de-xuat-phuong-an-binh-on-nguon-cung-cat-soi-3265364.html
Bình luận (0)