|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị BRICS mở rộng tại Nga, tháng 10/2024. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 13/6 vừa qua, Brazil - Chủ tịch luân phiên BRICS đã công bố Việt Nam chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS. Đại sứ đánh giá như thế nào về bước phát triển này?
Chính phủ Brazil, với tư cách là Chủ tịch luân phiên BRICS, đã đón nhận niềm vui lớn khi Việt Nam chính thức gia nhập BRICS với tư cách là quốc gia đối tác. Việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác của BRICS sẽ góp phần gia tăng tiềm lực của nhóm, khẳng định hơn nữa vai trò và vị thế của BRICS trên trường quốc tế, cũng như trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, đồng thời củng cố tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương.
|
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani. (Ảnh: Thành Long) |
Việt Nam là quốc gia ổn định, có nền kinh tế năng động, hiệu quả với mục tiêu tăng trưởng rõ ràng và hội nhập hài hòa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác BRICS được hoan nghênh mạnh mẽ và chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy các mục tiêu về thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội, tăng cường kết nối cũng như thúc đẩy tiếp cận bình đẳng đối với đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn với nhiều cuộc xung đột leo thang, các biến động kinh tế, đi kèm xu hướng bảo hộ trỗi dậy, cản trở dòng chảy thương mại và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, vai trò của BRICS ngày càng trở nên thiết yếu.
Một số con số tiêu biểu minh chứng cho tiềm năng của BRICS hiện nay, bao gồm: BRICS chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, 23% GDP thế giới, 18% thương mại quốc tế, 42% dân số toàn cầu, 30% diện tích lục địa, tương đương 3,2 tỷ người, 36% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP), và 72% trữ lượng đất hiếm của thế giới.
Theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi các nền kinh tế công nghiệp hóa đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng (từ 2,7% năm 2022 xuống còn 1,4% năm 2023), các quốc gia đang phát triển thuộc Nam bán cầu toàn cầu lại đạt mức tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay. Các nền kinh tế mới nổi trong BRICS ngày càng chứng tỏ là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đại sứ có thể chia sẻ kỳ vọng về chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 dịp này?
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Brazil, là một vinh dự to lớn đối với chúng tôi, thể hiện ý nghĩa đặc biệt của quan hệ hữu nghị và mức độ tin cậy cao giữa hai nước. Lần đầu tiên Thủ tướng tới Brazil là vào năm 2023, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng đã hội đàm với Tổng thống Lula da Silva, thăm một số doanh nghiệp hàng đầu của Brazil và tiếp xúc với giới doanh nhân.
Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tham dự Hội nghị G20 tại Rio de Janeiro, cùng đoàn đại biểu cấp cao tìm kiếm cơ hội hợp tác với Brazil trong các lĩnh vực như thể thao, hàng không, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
|
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro dưới vai trò điều phối của Chủ tịch luân phiên Brazil. (Nguồn: TGT Global) |
Dịp này, Thủ tướng quay lại Brazil lần thứ ba để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS với tư cách là lãnh đạo của quốc gia đối tác. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Thủ tướng sẽ mang đến những đóng góp có giá trị cho các phiên thảo luận của hội nghị. Với tầm nhìn hiện đại và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đóng góp nhiều quan điểm mang tính xây dựng liên quan đến các vấn đề sống còn của các nước đang phát triển như chuyển đổi năng lượng, hợp tác tài chính-kinh tế và đảm bảo tiếp cận công bằng với đổi mới sáng tạo.
Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác giữa Việt Nam và BRICS trong năm 2025 và triển vọng trong thời gian tới?
BRICS quy tụ những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới và là một cơ chế đặt ưu tiên vào việc tháo gỡ các nút thắt kinh tế - những thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Do vậy, xây dựng quan hệ đối tác thương mại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kết nối và thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng là những nội dung luôn hiện diện trong chương trình nghị sự của BRICS.
Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều vào chương trình nghị sự đó, bởi vì, Việt Nam là hình mẫu của sự năng động, tăng trưởng và ổn định, đồng thời nỗ lực dung hòa các mục tiêu phát triển với chính sách bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Những ưu tiên này hoàn toàn phù hợp với định hướng và thực tiễn của BRICS, đồng thời góp phần củng cố hợp tác đa phương.
Bên cạnh việc thúc đẩy kết nối và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể hợp tác với các thành viên khác trong lĩnh vực môi trường, chuyển đổi năng lượng và các sáng kiến tiếp cận công nghệ sáng tạo. Trên phương diện chính trị-ngoại giao, cũng như Brazil, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời ủng hộ một nền quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn.
Những chủ đề, trọng tâm chính được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này là gì, thưa Đại sứ?
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17, diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro dưới vai trò điều phối của Chủ tịch luân phiên Brazil có chủ đề: “Tăng cường hợp tác Nam-Nam vì một nền quản trị toàn diện và bền vững hơn”.
Chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ tập trung thảo luận sáu nội dung chính: Cải cách kiến trúc hòa bình và an ninh đa phương; hợp tác trong lĩnh vực y tế; cải thiện hệ thống tài chính quốc tế; ứng phó khủng hoảng khí hậu; trí tuệ nhân tạo; tăng cường thể chế BRICS, mở rộng sự tham gia và đối thoại với các nhóm xã hội khác nhau.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến với Tổng thống Brazil Lula da Silva nhân dịp thăm cấp Nhà nước Việt Nam tháng 3/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Về hợp tác song phương, Đại sứ có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Brazil thời gian qua?
Brazil và Việt Nam duy trì mối quan hệ chính trị-kinh tế tích cực, cân bằng suốt 36 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng những năm gần đây, quan hệ song phương đã có bước phát triển vượt bậc, nhờ vào các chuyến thăm cấp cao và mong muốn từ cả hai phía trong việc mở rộng cơ hội hợp tác.
Minh chứng rõ ràng là kim ngạch thương mại song phương đã đạt kỷ lục 8 tỷ USD. Đối thoại trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo được củng cố, kế hoạch hành động trong lĩnh vực quốc phòng đã được ký kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng được tăng cường. Chuyển đổi năng lượng nổi lên như một lĩnh vực hợp tác quan trọng.
Năm nay là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ song phương, với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng Ba vừa qua của Tổng thống Lula da Silva, tháp tùng bởi một đoàn doanh nghiệp lớn và nhiều quan chức cấp cao của Quốc hội, Chính phủ Brazil. Nhân dịp này, hai chính phủ đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh các bước đi cụ thể như việc mở cửa thị trường Việt Nam cho thịt bò Brazil, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, cùng nhiều quyết định quan trọng khác gắn với việc triển khai dần Kế hoạch hành động trong khuôn khổ Đối tác chiến lược.
|
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lula da Silva được tháp tùng bởi một đoàn doanh nghiệp lớn và nhiều quan chức cấp cao của Quốc hội, Chính phủ Brazil. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đâu là những trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong năm 2025, hai bên cần làm gì để thúc đẩy quan hệ, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới, thưa Đại sứ?
Trong năm 2025, hai nước tiếp tục triển khai các mục tiêu của Kế hoạch hành động đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva, qua đó từng bước mở rộng thị trường theo cả hai chiều.
Brazil và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và tính bổ trợ, là yếu tố thuận lợi để xây dựng quan hệ đối tác bền vững, mở rộng thương mại song phương. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh và công nghệ cao phát triển nhanh chóng, việc tích hợp đổi mới sáng tạo vào hợp tác kinh tế-thương mại là vô cùng cần thiết.
Tôi tin rằng hai nước có triển vọng hợp tác tốt trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lĩnh vực Brazil có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, là hình mẫu toàn cầu về năng lượng tái tạo và chương trình ethanol.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng rất đáng chú ý. Tập đoàn JBS - một trong những doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất Brazil - vừa công bố kế hoạch đầu tư hai nhà máy chế biến thịt tại Việt Nam với tổng giá trị khởi điểm 100 triệu USD. Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm phân phối khu vực trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, hai nước còn tiềm năng lớn trong hợp tác về an ninh mạng, chất bán dẫn, số hóa, nông nghiệp xanh, nhiên liệu sinh học và công nghệ canh tác mới, bao gồm cả phục hồi rừng. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những kết quả tích cực từ đối thoại hiện nay giữa hai chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra các thành quả vững chắc trong hợp tác song phương cũng như đa phương trong những năm tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-brazil-thu-tuong-pham-minh-chinh-se-co-nhung-dong-gop-gia-tri-cho-cac-van-de-song-con-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-319777.html
Bình luận (0)