Chúng tôi có dịp đi thực tế tại 3 thôn vùng sâu: Nà Trang, Nà Tồng và Pắc Gắm, nơi đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của người dân mới thấu hiểu hết những khó khăn mà họ phải đối mặt suốt nhiều năm qua.
Dẫn đường cho tôi là anh Lưu Văn Lâm, người dân thôn Nà Trang. Vừa đi, anh vừa chia sẻ: Gần 20 năm nay, bà con luôn mong mỏi có điện lưới quốc gia để cuộc sống đỡ vất vả, có nguồn điện ổn định để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Nhưng đến giờ, đó vẫn là niềm mơ ước thôi, phóng viên ạ.
Không có điện ổn định, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng đủ đường. Nhiều thiết bị trong gia đình như bóng đèn, tivi, thường xuyên hư hỏng vì điện yếu. Có hôm bóng đèn là vật dụng chiếu sáng duy nhất trong nhà cứ chập chờn, rồi cháy hẳn. Cũng vì thiếu điện, nhiều hộ muốn đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất nhưng đành dừng lại vì lo không đảm bảo nguồn điện vận hành máy móc. Cái nghèo cứ thế đeo đẳng người dân nơi đây từ năm này qua năm khác.
Đến thăm nhà anh Lưu Văn Lâm giữa trưa hè oi ả, tôi không khỏi bất ngờ trước cảnh sinh hoạt của gia đình anh. Ba ông cháu ngồi quây quần dưới một chiếc quạt điện nhỏ chạy yếu ớt, cố gắng xua đi cái nóng giữa trưa hè. Thấy tôi bước vào, anh Lâm như đoán được điều tôi đang nghĩ, anh chia sẻ: Nhà cũng muốn mua chiếc quạt công suất lớn để mát hơn, nhưng khó lắm phóng viên ạ. Điện yếu quá, nếu dùng quạt to thì chỉ chạy được một thời gian là hỏng. Giờ cũng chỉ dám dùng loại quạt nhỏ, công suất thấp cho đỡ tốn điện, chứ không dám đầu tư gì hơn. Hỏi chuyện con anh Lâm, cháu Lưu Tuấn Khang, học sinh lớp 3, thôn Nà Trang bày tỏ: Buổi tối cháu muốn học bài nhưng điện yếu, bóng đèn lúc sáng lúc không. Có hôm đang học thì đèn tắt hẳn, cháu phải ngồi học nhờ ánh đèn pin hoặc đèn điện thoại của bố mẹ. Nhiều khi cháu buồn lắm vì không học được bài.
Đường dây điện do bà con trong thôn tự kéo những mối nối được bọc bằng lốp xe cao su, thân cột được làm bằng cây tre, chiều cao không đủ an toàn tiềm ẩn mối nguy hiểm
Không chỉ riêng gia đình anh Lâm, nhiều hộ dân trong 3 thôn cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mùa hè thì oi bức, mùa đông lại giá rét, không có điện ổn định để sử dụng thiết bị sưởi hay làm mát, cuộc sống của người dân trở nên chật vật hơn bao giờ hết. Việc nấu cơm, bơm nước hay bảo quản thực phẩm cũng không đảm bảo. Ông Lý Văn Phú, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Trang chia sẻ: Thôn hiện có 53 hộ với 260 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước đây, khi chưa có điện, cuộc sống của bà con hết sức chật vật, tối đến chỉ dùng đèn dầu hoặc đèn pin. Đến năm 2017, người dân trong ba thôn đã tự hô hào, góp công, góp sức kéo điện tạm từ trạm biến áp gần nhất, với mong muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn điện này yếu và không ổn định, chỉ đủ thắp sáng, còn để sử dụng các thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản nông sản hay sinh hoạt gia đình thì vô cùng khó khăn.
Không chỉ thiếu điện, con đường độc đạo dẫn vào thôn Nà Trang cũng là một trở ngại lớn. Những ngày nắng, xe máy còn có thể đi lại, nhưng cứ mưa xuống là đường lầy lội, trơn trượt, nhiều đoạn chi chít sỏi đá, người dân, nhất là các em học sinh và người già, di chuyển vô cùng vất vả. Việc vận chuyển nông sản ra chợ cũng vì thế mà đội chi phí, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con.
Ông Phú trăn trở: Điện không ổn định, đường đi lại khó khăn, nên đời sống của người dân còn nghèo lắm. Mong sao Nhà nước quan tâm đầu tư kéo điện lưới quốc gia và nâng cấp tuyến đường vào thôn để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Do điện yếu ánh sáng không ổn định khiến việc học tập của các em học sinh bị ảnh hưởng
Việc tự kéo điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Các đường dây điện do người dân tự lắp đặt kéo dài hàng cây số, đi vắt qua cây rừng, đồi núi, không được kiểm định kỹ thuật, dễ bị đứt, rò rỉ điện hoặc chập cháy bất cứ lúc nào. Anh Lưu Văn Thảy, trưởng thôn Nà Tồng lo lắng chia sẻ: 3 thôn hiện tại có 193 hộ, 809 nhân khẩu, đường điện được người dân kéo đã lâu, dây điện thì nhỏ, đường dây không đủ chiều cao an toàn, kéo lâu ngày nay đã bị nứt, vỡ, nhiều chỗ lộ rõ lõi dây điện bên trong, vào mùa mưa bão gió thổi mạnh rất nguy hiểm. Nhà nào có trẻ nhỏ thì lại càng lo vì điện cứ chập chờn, lúc nào cũng sợ tai nạn xảy ra. Thực tế, năm 2021 đã có trường hợp người dân tại địa bàn xã lân cận tử vong do chạm vào dây điện rò rỉ, khiến người dân càng thêm bất an. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại phải đối mặt thêm với hiểm họa từ chính nguồn điện không đảm bảo an toàn, khiến mong mỏi có điện lưới quốc gia càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực tế tại 3 thôn, hệ thống điện do người dân tự kéo phần lớn đều rất tạm bợ. Cột điện chủ yếu được dựng bằng cây tre, gỗ rừng; nhiều đoạn dây được buộc vào cành cây, thân cây dọc đường để dẫn điện về nhà. Đường dây không có lớp bảo hộ an toàn, dễ bị đứt, rò rỉ, nhất là vào mùa mưa bão. Chính sự tạm thời, chắp vá ấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cả người và tài sản.
Đường dây điện được người dân buộc tạm vào gốc cây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhất là trong thời điểm mưa bão
Ông Đào Thế Đông, Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật cho biết: chính quyền địa phương đã nắm được thực trạng 3 thôn Nà Trang, Nà Tồng và Pắc Gắm chưa có điện lưới quốc gia từ nhiều năm nay. Thời gian trước, do ngân sách còn hạn chế nên các dự án điện chủ yếu ưu tiên đầu tư cho những khu vực đông dân cư, điều kiện thi công thuận lợi hơn.
Theo ông Đông, ngành điện lực đã phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực địa tại các thôn. Xã cũng đã có đề xuất, đưa nội dung này vào kế hoạch đầu tư giai đoạn trước. Tuy nhiên, do có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực, nên dự án cung cấp điện cho các thôn chưa có điện đã được UBND huyện Bình Gia (trước khi sáp nhập) đưa vào đề án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030. Hiện nay, đề án này đã được bàn giao lại cho cấp xã tiếp tục theo dõi, triển khai. Ông Đông nhấn mạnh: Việc đưa điện lưới quốc gia về với người dân 3 thôn vùng sâu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã trong thời gian tới. Chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành điện lực để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai khi có nguồn vốn bố trí. Phấn đấu trong thời gian sớm nhất, người dân các thôn Nà Trang, Nà Tồng và Pắc Gắm sẽ được sử dụng điện lưới ổn định, góp phần cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đàm Văn Phủ, Đội trưởng Đội Quản lý điện khu vực Bình Gia cho biết: Qua khảo sát, địa hình tại các thôn hoàn toàn có thể triển khai lưới điện. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư nên chưa thể thực hiện. Thời gian tới, điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND xã để theo dõi, cập nhật tình hình và sẵn sàng triển khai khi có nguồn lực.
Điện lưới quốc gia không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển cho người dân vùng sâu, vùng xa. Mong rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, ngành, 3 thôn Nà Trang, Nà Tồng và Pắc Gắm sẽ sớm được thắp sáng bằng dòng điện ổn định, để cuộc sống người dân bớt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: https://baolangson.vn/dan-kho-vi-thieu-dien-5052364.html
Bình luận (0)