Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để công tác giảm nghèo thực chất và bền vững

(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Như Xuân đã và đang đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh, diện mạo quê hương ngày một đổi mới. Phóng viên Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân về nội dung trên.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa27/05/2025

Để công tác giảm nghèo thực chất và bền vững

Diện mạo thị trấn Yên Cát (Như Xuân) ngày một đổi mới, khang trang. Ảnh: Dương Bích (CTV)

PV: Thời gian qua, huyện Như Xuân đã triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nói riêng, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể rất quan tâm và triển khai một cách đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Như Xuân đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã xây dựng quy chế hoạt động do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban chỉ đạo; các đồng chí: Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Phó Ban Chỉ đạo; các thành viên là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan là thành viên ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng nội dung công việc chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo.

Hằng năm UBND huyện, các địa phương xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các xã, thị trấn. Phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách cơ sở, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chương trình kịp thời và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện. Thông qua công tác kiểm tra giám sát, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của đơn vị, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc hỗ trợ cho người nghèo thông qua các chương trình, dự án và nguồn Quỹ “Vì người nghèo” khách quan, minh bạch, đúng mục đích.

Hoạt động thông tin và truyền thông được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, xem đây là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện chương trình. Triển khai xây dựng các cụm pano tuyên truyền, tổ chức lực lượng tham gia Hội thi truyền thông về giảm nghèo bền vững của tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thường xuyên xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh truyền hình huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Thông qua nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, lồng ghép với các chương trình dự án khác và nguồn lực của địa phương, các nguồn lực xã hội hóa, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, do đó điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có bước phát triển khá, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm hàng năm.

PV: Xin đồng chí chia sẻ cụ thể những kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Như Xuân?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đã ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, ưu tiên các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ giảm nghèo đã đề ra. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đoàn kết thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành; cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân do đó quá trình thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đạt được kết quả tích cực. Ý thức của người dân, đặc biệt là người nghèo, hộ nghèo đã chủ động hơn và tự giác lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp đã có tác động hỗ trợ mạnh mẽ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2021-2024, tổng vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 18 tỷ 292 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2024 đã giải ngân được 17 tỷ 036 triệu đồng (đạt 93,13%). Ước thực hiện năm 2025 đạt 100%.

Huyện đã tổ chức thực hiện các tiểu dự án, dự án, trong đó triển khai 38 mô hình giảm nghèo, chủ yếu là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (trong đó 10 mô hình nuôi bò sinh sản, 1 mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm, 14 mô hình nuôi trâu cái sinh sản, 13 mô hình chăn nuôi gà ri lai thương phẩm). Tổng số hộ tham gia là 1.318 hộ.

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường và củng cố. Tỷ lệ giảm nghèo của huyện luôn đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND huyện và tỉnh giao. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cuối năm 2021 là 16,94%, đến cuối năm 2024 giảm xuống còn 950 hộ, chiếm tỷ lệ 5,69%. Dự kiến năm 2025 giảm còn 248 hộ, chiếm tỷ lệ 1,49%; bình quân giảm 4,2%/năm.

Để công tác giảm nghèo thực chất và bền vững

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất (bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất, XDNTM tại xã Thượng Ninh. Ảnh: Thảo Nguyên

Hàng năm, số lao động được giải quyết việc làm mới trong và ngoài huyện là 1.400 lao động (trong đó xuất khẩu lao động trên 160 người/năm) đã góp phần vào việc tăng thêm thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động đối với lao động trong huyện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 37,03 triệu đồng/hộ/năm 2021 lên 45,5 triệu đồng/hộ/năm 2024; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng từ 1,5 triệu đồng/người/tháng năm 2022 lên 2,5 triệu đồng/người/tháng năm 2024. Lũy kế đến hết năm 2024, huyện Như Xuân có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 63 thôn đạt chuẩn NTM, 7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

PV: Để công tác giảm nghèo thực chất và bền vững trên địa bàn huyện Như Xuân, giải pháp đặt ra trong giai đoạn tới như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Tuy công tác giảm nghèo đạt chỉ tiêu, mục tiêu nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo còn cao. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ban hành chậm ở giai đoạn đầu; có nhiều quy định, trình tự thủ tục lồng ghép, cần có thời gian để xây dựng, dẫn đến việc triển khai thực hiện một số dự án thuộc chương trình còn chậm, nhất là những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo về phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình ở giai đoạn đầu chưa cụ thể, địa phương triển khai gặp khó khăn, lúng túng, phải xin ý kiến cấp trên...

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Như Xuân tiếp tục xác định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Phải xem người nghèo là trung tâm, người nghèo phải thực sự có ý chí vươn lên, chủ động tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”. Để thực hiện mục tiêu đó thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao. Tiếp tục tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng các mô hình liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn; phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm mạnh, lợi thế để chương trình đạt được hiệu quả tốt nhất, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Thanh Hóa chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Ngọc Huấn (thực hiện)

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/de-cong-tac-giam-ngheo-thuc-chat-va-ben-vung-250047.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm