Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Để kỳ thi thực sự là “điểm tựa”

Sau gần 10 năm tổ chức kỳ thi “hai trong một” - vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học - xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về tính hợp lý và hiệu quả của mô hình này. Kỳ thi chung từng được kỳ vọng là giải pháp tinh giản, tiết kiệm và thuận tiện nhưng thực tiễn lại bộc lộ không ít bất cập về thiết kế đề thi, mục tiêu đánh giá và hệ quả trong dạy học.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng07/07/2025

Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là nên giữ hay bỏ kỳ thi này mà là làm thế nào để một kỳ thi có thể phục vụ hiệu quả hai mục tiêu vốn khác biệt.

Có ba phương án chính đang được bàn luận. Thứ nhất, tổ chức hai kỳ thi riêng biệt: một kỳ để xét tốt nghiệp phổ thông, một kỳ tuyển sinh đại học. Phương án này rõ ràng về mục tiêu nhưng khó khả thi bởi gây tốn kém ngân sách, nhân lực, tạo áp lực kép cho học sinh và tái diễn cảnh luyện thi tràn lan. Nhiều trường đại học cũng không đủ năng lực và điều kiện để tổ chức kỳ thi riêng theo chuẩn. Thứ hai, bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao việc đánh giá công nhận tốt nghiệp cho nhà trường.

Tuy nhiên, phương án này lại bất cập khi chưa có hệ thống đảm bảo chất lượng độc lập, việc công nhận tốt nghiệp chỉ dựa vào đánh giá nội bộ dễ dẫn tới mất niềm tin, thiếu công bằng và gây khó khăn cho phân luồng học sinh sau THPT và công nhận bằng cấp với thế giới để du học. Phương án thứ ba: giữ một kỳ thi chung - vẫn là lựa chọn khả thi nhất nếu có điều chỉnh hợp lý. Trọng tâm không nằm ở số lượng kỳ thi mà ở cách thiết kế sao cho một kỳ thi đáp ứng được cả hai mục tiêu.

Điều quan trọng là xác định rõ ràng: phần nào trong bài thi nhằm đánh giá điều kiện công nhận tốt nghiệp, phần nào để phục vụ tuyển sinh đại học. Khi mục tiêu được phân định rõ, cấu trúc đề thi cũng cần thay đổi tương ứng. Hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ nên được tách riêng vì đây là những môn đặc thù, phản ánh năng lực nền tảng cần thiết cho cả học sinh phổ thông và sinh viên tương lai. Phần còn lại nên được thiết kế theo hướng tích hợp, cho phép học sinh tự chọn môn phù hợp với định hướng ngành nghề.

Một bài thi có thể tổng hợp các môn Toán - Lý - Hóa hoặc Lịch sử - Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật... để đánh giá năng lực tư duy tổng hợp. Cách tiếp cận này sẽ khắc phục tình trạng học lệch theo tổ hợp cố định, đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học. Tất nhiên, để kỳ thi như vậy vận hành hiệu quả cần ba điều kiện tiên quyết: nhân lực chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại và hành lang pháp lý rõ ràng. Trong đó, đội ngũ ra đề cần có chuyên môn sâu, được phân công rõ ràng giữa nhóm ra đề tốt nghiệp và nhóm phục vụ tuyển sinh; ứng dụng công nghệ trong xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, tổ chức thi trên máy tính và xử lý dữ liệu đánh giá. Về pháp lý, cần sửa đổi hoặc ban hành quy định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể trong hệ thống thi và tuyển sinh, bảo đảm minh bạch và ổn định.

Trong bối cảnh đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, đây là thời điểm quan trọng để xác lập rõ quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, trên nguyên tắc trách nhiệm giải trình. Với điều kiện nhiều trường đại học vẫn còn khó khăn tài chính và năng lực quản trị hạn chế, nếu không có chuẩn về chất lượng đầu vào sẽ dễ xảy ra tình trạng tuyển sinh dễ dãi, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng đào tạo. Do đó, luật cần quy định Bộ GD-ĐT giữ vai trò ban hành khung chuẩn năng lực đầu vào, công nhận các tổ chức khảo thí độc lập, giám sát chất lượng kỳ thi, trong khi các trường đại học được toàn quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp.

Việc sửa Luật Giáo dục Đại học cần đi kèm cải cách thi cử để toàn hệ thống chuyển từ tư duy kiểm soát sang khuyến khích chất lượng, từ áp đặt sang trao quyền có điều kiện. Một kỳ thi vẫn có thể phục vụ tốt cả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học - nếu mục tiêu được phân định rõ và thiết kế lại theo hướng linh hoạt, chuyên nghiệp. Khi đó, kỳ thi chung sẽ không còn là “điểm nghẽn” mà trở thành “điểm tựa” cho cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học phát triển hài hòa, bền vững. Đã đến lúc cần một cuộc cải cách triệt để về thi cử, đo lường đánh giá chất lượng trong hệ thống dựa trên các trụ cột chính: công nghệ; xã hội hóa nguồn lực; tính chuyên nghiệp của đội ngũ.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-ky-thi-thuc-su-la-diem-tua-post802869.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm