Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đường tồn tại trong cơ thể bao lâu?

Đường, hay còn gọi là glucose, là nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động sống của cơ thể.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên21/07/2025

Tuy nhiên, tiêu thụ đường quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, theo trang sức khỏe Verywell Health.

Bà Brittany Poulson, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, cho biết ngay sau khi ăn, đường bắt đầu đi vào máu và thường được xử lý hết trong vòng từ 2 đến 3 giờ, nhưng thời gian này có thể dài hơn tùy vào nhiều yếu tố như loại thực phẩm, khả năng trao đổi chất, hoạt động thể chất và tình trạng sức khỏe của người tiêu thụ.

Đường tồn tại trong cơ thể bao lâu? - Ảnh 1.

Tiêu thụ đường quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe

Ảnh: AI

Cơ thể xử lý đường như thế nào?

Khi ăn một thực phẩm có chứa đường hoặc carbohydrate, hệ tiêu hóa sẽ phân giải carbohydrate thành glucose tại ruột non.

Glucose nhanh chóng được hấp thụ vào máu, làm lượng đường trong máu tăng lên.

Tuyến tụy lập tức tiết ra insulin - một loại hormone có vai trò đưa glucose từ máu vào tế bào. Tại đây, glucose sẽ được dùng để tạo năng lượng hoặc lưu trữ để sử dụng sau.

Tốc độ glucose đi vào máu phụ thuộc vào loại đường và nguồn thực phẩm. Đường đơn như trong kẹo, bánh ngọt, nước ngọt thường khiến đường huyết tăng nhanh chỉ trong khoảng 15 đến 30 phút sau ăn.

Ngược lại, carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất xơ và protein sẽ được tiêu hóa chậm hơn, khiến đường huyết tăng từ từ. Sau khoảng 60 phút, lượng đường trong máu đạt mức cao nhất.

Đối với người khỏe mạnh, cơ thể sẽ đưa mức đường huyết trở lại bình thường sau khoảng 2 đến 3 giờ. Nếu bữa ăn có nhiều tinh bột tinh chế hoặc đường thêm vào, thời gian xử lý có thể kéo dài hơn.

Điều gì ảnh hưởng đến thời gian đường lưu lại trong máu?

Thành phần bữa ăn đóng vai trò rất quan trọng. Khi kết hợp carbohydrate với chất xơ, chất béo hoặc protein, quá trình hấp thụ đường sẽ diễn ra chậm hơn, giúp duy trì mức đường huyết ổn định hơn.

Đường tồn tại trong cơ thể bao lâu? - Ảnh 2.

Đi bộ 10 phút sau bữa ăn giúp cơ thể sử dụng glucose nhanh hơn, giảm thời gian đường lưu lại trong máu

Ảnh: AI

Hoạt động thể chất cũng là yếu tố then chốt. Vận động sau bữa ăn, chẳng hạn như đi bộ 10 phút, giúp cơ thể sử dụng glucose nhanh hơn, giảm thời gian đường lưu lại trong máu. Những người thường xuyên vận động sẽ có khả năng điều hòa đường huyết tốt hơn.

Tình trạng trao đổi chất và độ nhạy insulin quyết định khả năng xử lý đường. Người có sức khỏe trao đổi chất tốt sẽ đưa đường huyết trở lại bình thường nhanh chóng. Trong khi đó, người bị kháng insulin, tiền tiểu đường hoặc tiểu đường sẽ mất nhiều thời gian hơn, có khi kéo dài đến nhiều giờ.

Ngoài ra, người lớn tuổi hoặc người thừa cân, béo phì thường có phản ứng chậm hơn với insulin, khiến quá trình xử lý đường bị trì hoãn. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài và thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, khiến đường huyết khó kiểm soát hơn.

Đường đi về đâu trong cơ thể?

Sau khi insulin đưa glucose từ máu vào tế bào, cơ thể sử dụng đường theo nhiều cách. Nếu đang cần năng lượng, tế bào sẽ dùng glucose ngay lập tức.

Nếu chưa cần dùng, glucose sẽ được dự trữ tại gan và cơ dưới dạng glycogen. Khi kho glycogen đã đầy và cơ thể không vận động nhiều, đường dư thừa sẽ chuyển thành mỡ và tích lũy theo thời gian.

Nguồn: https://thanhnien.vn/duong-ton-tai-trong-co-the-bao-lau-185250721102921336.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm