Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ “nút thắt” về mặt bằng để thu hút đầu tư

Tính đến nay, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có khu, cụm công nghiệp nào chính thức đi vào hoạt động. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã khi tìm kiếm mặt bằng đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân16/05/2025

Doanh nghiệp “khát” mặt bằng ...

Công ty cổ phần khoáng sản Hưng Thịnh Cao Bằng có trụ sở tại thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Hiện tại, công ty thực hiện dự án khai thác chì, kẽm tại mỏ bản Bó, thuộc hai xã Mông Ân và Thái Học, huyện Bảo Lâm. Toàn bộ sản lượng khoáng sản khai thác được, công ty chế biến tại xưởng tuyển và bán sản phẩm chì, kẽm cho các doanh nghiệp trong nước. Với mục tiêu tiếp tục đầu tư, chế biến sâu khoáng sản, giải quyết việc làm cho lao động, tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách, từ năm 2023, công ty đã có công văn xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc đầu tư xây dựng công trình Nhà máy luyện chì kẽm công suất 10.000 tấn/năm. Địa điểm xây dựng là ở Khu công nghiệp Chu Trinh, thành phố Cao Bằng.

Ông Vũ Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Hưng Thịnh chia sẻ, theo dự kiến, Nhà máy luyện chì kẽm công suất 10.000 tấn/ năm khi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương và tăng khoản nộp ngân sách của công ty. Nhưng đến nay, kế hoạch xây mới nhà máy của công ty vẫn chỉ nằm trên giấy. Nguyên nhân là do không có mặt bằng để xây dựng nhà máy; Khu công nghiệp Chu Trinh vẫn vướng giải phóng mặt bằng, chưa thể bố trí mặt bằng sạch cho công ty triển khai xây dựng nhà máy.

Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) đã bắt đầu xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh Cao Bằng từ năm 2015. Sau 10 năm, DACE đã liên kết trồng nông sản với 3.014 hộ nông dân, đồng thời gián tiếp thu mua sản phẩm từ hơn 7.500 nông dân ở các huyện Hà Quảng, Thạch An, Trùng Khánh, Hòa An, Bảo Lâm… Tổng diện tích vùng nguyên liệu của DACE tại Cao Bằng hiện nay đạt 2.300 ha, với các loại cây trồng chủ lực như gừng, nghệ, ớt, quế, hồi, sả, được canh tác theo phương pháp hữu cơ và nông nghiệp tái sinh. Công ty thu mua nông sản với giá ổn định và hỗ trợ người dân toàn diện qua việc cung cấp giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình canh tác tiên tiến và đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như đường nội đồng, nhà kho, bể chứa nước… Từ vùng nguyên liệu này, các sản phẩm của DACE đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, góp phần tạo vị thế cao hơn trên thị trường toàn cầu cho nông sản Việt Nam. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua khoảng từ 6.000 đến 7.000 tấn nông sản từ Cao Bằng, với giá trị dao động từ vài chục đến hơn 100 tỷ đồng, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu theo giá thị trường. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương, DACE đang xúc tiến đầu tư ba nhà máy chế biến nông sản tại tỉnh Cao Bằng.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE cho biết: Nhà máy chế biến tại huyện Thạch An đã có mặt bằng, hiện tại hoàn tất thủ tục xây dựng. Riêng với Nhà máy chế biến gừng tại huyện Hà Quảng, mặc dù đã xúc tiến trong hai năm qua, thế nhưng hiện tại dự án vẫn chưa thể triển khai. Khu đất công hơn 4.000m² tại Nà Chang, thị trấn Xuân Hòa đã được tỉnh giới thiệu và đưa vào quy hoạch, nhưng chưa thể thực hiện các thủ tục đấu giá để cấp quyền sử dụng đất. Còn nhà máy dự kiến xây dựng trong Khu công nghiệp Chu Trinh, Cao Bằng vẫn chưa hẹn ngày khởi động do khu công nghiệp đang vướng khâu giải phóng mặt bằng. “Thiếu mặt bằng xây dựng nhà máy khiến Công ty DACE phải vận chuyển sang các nhà máy ở tỉnh khác để chế biến, làm gia tăng chi phí, giảm hiệu quả chuỗi cung ứng tại chỗ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Dở dang, lãng phí tại khu công nghiệp chu trinh

Khu công nghiệp Chu Trinh được khởi công xây dựng từ năm 2017 với tổng diện tích gần 81 ha. Đến nay, khu công nghiệp này mới giải phóng được hơn 17 ha mặt bằng và hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông nội khu, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải… với tổng vốn đầu tư hơn 152 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần diện tích giải phóng mặt bằng còn lại (67 ha) vẫn chưa thể thực hiện do gặp vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và thủ tục đánh giá tác động môi trường.

Theo ông Lý Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, trước tình trạng dở dang, vướng mắc trong xây dựng Khu công nghiệp Chu Trinh, Ban rất “nóng ruột” trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước, ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và cần mặt bằng để đầu tư xây dựng nhà máy.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, nguyên nhân Khu công nghiệp Chu Trinh đầu tư dở dang, chưa phát huy hiệu quả do công tác giải phóng mặt bằng 67 ha diện tích còn lại gặp một số vướng mắc kéo dài. Trong khi Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm điều hành, cổng và giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Chu Trinh có tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng thông qua chủ trương đầu tư từ ngày 25/5/2022. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đánh giá báo cáo tác động môi trường kéo dài, có sự thay đổi chính sách về định mức đơn giá trồng rừng thay thế. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chi phí trồng rừng thay thế khoảng 2,5 tỷ đồng; sau khi có chủ trương chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, áp dụng chính sách mới, định mức đơn giá trồng rừng thay thế tăng lên 13,7 tỷ đồng.

Để tháo gỡ vướng mắc đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chưa đầu tư Trung tâm điều hành khu công nghiệp, dồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, các bước thủ tục giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Chu Trinh vẫn đang trong giai đoạn triển khai, thực hiện, trong khi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã… vẫn ngóng chờ có mặt bằng sạch để đầu tư xây dựng nhà máy.

Việc sớm tháo gỡ “nút thắt” về mặt bằng không chỉ góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm tại tỉnh Cao Bằng.

Nguồn: https://nhandan.vn/go-nut-that-ve-mat-bang-de-thu-hut-dau-tu-post880293.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm