NHNN trên hành trình “giảm dần và xóa bỏ” room tín dụng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra ngày 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý mục tiêu khoảng trên 16% trong năm nay.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cơ quan điều hành tiền tệ tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Một điểm đáng chú ý là chỉ đạo về việc xem xét dỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương đánh giá và từng bước loại bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thường được gọi là “room tín dụng” để chuyển sang phương thức điều hành theo tín hiệu thị trường.
Song song đó, NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, báo cáo Chính phủ trong tháng 7/2025.
Room tín dụng là công cụ được NHNN áp dụng suốt hơn một thập kỷ qua, nhằm kiểm soát quy mô dư nợ cho vay, điều tiết tổng phương tiện thanh toán và phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong các giai đoạn nhạy cảm về lạm phát và rủi ro tài chính.
Tuy nhiên, khi phần lớn các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II, tiến tới Basel III, thì cơ chế phân bổ hành chính này ngày càng bộc lộ những điểm nghẽn.
Không ít trường hợp trong thực tế cho thấy, doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi nhưng không tiếp cận được nguồn vốn chỉ vì… ngân hàng đã hết room.
Với khách hàng cá nhân, có những trường hợp bị phạt hợp đồng mua nhà do ngân hàng không thể giải ngân đúng hạn không phải vì rủi ro tín dụng, mà đơn giản là “quota đã hết”. Một cơ chế vốn sinh ra để kiểm soát rủi ro hệ thống, giờ lại trở thành rào cản với chính dòng chảy tín dụng lành mạnh điều mà nền kinh tế đang rất cần.
Thực tế, chủ trương tiến tới bãi bỏ room tín dụng đã được lãnh đạo NHNN đề cập nhiều lần trong thời gian gần đây. Tại Hội nghị Thủ tướng với các ngân hàng thương mại hồi đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “NHNN sẽ đổi mới phương thức điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng”.
Lộ trình ấy đang từng bước được triển khai. Năm ngoái, NHNN đã chính thức bãi bỏ room tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng trong nước, cơ quan điều hành đang tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này, đi kèm các điều kiện an toàn về vốn, chất lượng tài sản và quản trị rủi ro.
Trong năm 2025, NHNN cũng thay đổi cách tiếp cận trong việc phân bổ room. Theo ông Đào Minh Tú, thay vì chờ ngân hàng đề xuất, NHNN sẽ chủ động điều chỉnh hạn mức dựa trên tình hình hoạt động thực tế. Điều này không chỉ giúp rút ngắn quy trình, mà còn thể hiện tư duy điều hành linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, NHNN cũng đặt ra điều kiện rõ ràng: các ngân hàng được trao quyền chủ động phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn an toàn vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng và cho vay đúng đối tượng. Cơ chế thị trường sẽ song hành cùng trách nhiệm không có chỗ cho tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Việc giảm dần và tiến tới xóa bỏ room tín dụng không chỉ là bước điều chỉnh kỹ thuật, mà còn là tín hiệu của sự chuyển đổi chính sách: từ điều hành hành chính sang vận hành thị trường, từ mệnh lệnh sang minh bạch và cạnh tranh.
Nếu được thực hiện bài bản, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đồng thời khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc hậu khủng hoảng.
Nhiều ngân hàng và chuyên gia đang trông đợi Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một công cụ hành chính bị đánh giá là cứng nhắc và bộc lộ nhiều bất cập.
Có đủ công cụ thị trường để thay thế room tín dụng
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tỏ ra thận trọng khi nói về việc bãi bỏ hoàn toàn cơ chế áp hạn mức tín dụng hàng năm lo ngại khả năng hệ thống ngân hàng có thể rơi vào cuộc đua tăng trưởng nóng như giai đoạn trước năm 2011.
Hệ quả là lãi suất huy động, cho vay bị đẩy lên cao, và nợ xấu tăng mạnh nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bối cảnh hiện nay đã khác. Hệ thống ngân hàng hiện tại đã có đủ các công cụ thị trường đủ mạnh, rõ ràng và có hiệu lực pháp lý để thay thế room tín dụng.
Một trong những "hàng rào" quan trọng chính là hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II, Basel III. Theo quy định, nếu ngân hàng muốn mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán, họ buộc phải tăng vốn tự có để đảm bảo hệ số CAR tối thiểu.
Đây là một biện pháp kỹ thuật nhưng mang bản chất thị trường cho phép các ngân hàng tự cân nhắc rủi ro và năng lực tài chính trước khi mở rộng dư nợ.
Ngoài ra, NHNN còn đang nắm trong tay nhiều công cụ gián tiếp khác để điều tiết cung tiền và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mà không cần áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc.
Chẳng hạn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc một công cụ truyền thống nhưng vẫn phát huy hiệu quả. Việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện tại lên 5% hoặc 10% sẽ khiến các ngân hàng phải “giam” một lượng vốn lớn hơn tại NHNN, qua đó làm giảm khả năng cho vay và góp phần hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cũng là một công cụ điều tiết mạnh mẽ mà NHNN có thể sử dụng linh hoạt. Thông qua phát hành tín phiếu hoặc mua bán giấy tờ có giá, cơ quan quản lý có thể "hút tiền" hoặc "bơm tiền" vào hệ thống ngân hàng tùy theo trạng thái thị trường mà không cần dùng đến các mệnh lệnh hành chính. Đây là cách điều hành phổ biến tại các nền kinh tế phát triển, và Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận theo hướng này.
Bối cảnh hiện tại càng ủng hộ cho việc chuyển đổi sang điều hành tín dụng theo thị trường. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, hướng tới các mốc cao hơn trong các năm tiếp theo.
Riêng với ngành ngân hàng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là khoảng 16%, cao hơn 0,92 điểm phần trăm so với mức thực hiện năm 2024. Đây là mức tăng được đánh giá là “vừa sức” để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát và lãi suất ở mức ổn định.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đã đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng tới 18,87% mức tăng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng hiện tại đang chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng phát triển kinh tế: nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37% dư nợ; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng 7,53%; nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 23,74%; trong khi lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở mức 18,47% mức hợp lý trong kiểm soát rủi ro.
Các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực giải ngân theo định hướng của Chính phủ và Thủ tướng, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu tiên: cho vay nhà ở xã hội, cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê mua nhà, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chuyển đổi số, hay các chương trình tín dụng chính sách. Đây là những dòng vốn có định hướng rõ ràng, mang tính mục tiêu và được giám sát chặt chẽ.
Theo các chuyên gia, tín dụng đang đi đúng hướng. Mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, dư địa cung tiền vẫn rộng mở và các ngân hàng đã đủ sức tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc bãi bỏ cơ chế room tín dụng dự kiến trong quý III/2025 là hợp lý và kịp thời. Không chỉ tạo điều kiện để dòng vốn lưu thông thông suốt hơn, mà còn giúp thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực điều hành hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.
Nguồn: https://baolamdong.vn/khi-nao-ngan-hang-nha-nuoc-se-noi-hoac-xoa-bo-room-tin-dung-381492.html
Bình luận (0)