Nuôi cá lồng bè tại khu vực Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau.
Tại tọa đàm với chủ đề “Phát triển kinh tế biển - động lực phát triển bền vững ĐBSCL” mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng chiến lược rất rõ ràng về phát triển kinh tế biển được thể hiện tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này xác định “Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn về biển”. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của kinh tế biển đối với sự phát triển toàn vùng. Tọa đàm hôm nay là nơi kết nối các lực lượng trí thức, quản lý và doanh nghiệp, để cùng đưa ra những đề xuất cụ thể, biến tầm nhìn thành hành động, biến tiềm năng thành động lực phát triển thực sự.
ĐBSCL là trung tâm sản xuất thủy sản lớn nhất cả nước, cả về quy mô và giá trị. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: ĐBSCL mang tính đại diện của ngành thủy sản Việt Nam trong cả lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Tính đến tháng 5-2025, số lượng tàu cá cả nước đã đăng ký, được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) là 82.175 tàu cá. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 28% tổng số tàu cả nước. Sản lượng thủy sản từ khai thác của ĐBSCL chiếm khoảng 35% trong tổng số tổng sản lượng từ 3,4-3,6 triệu tấn/năm của cả nước. Ngoài ra, hoạt động nuôi biển của vùng những năm qua cũng phát triển mạnh và từng bước ứng dụng công nghệ cao với các đối tượng như cá chẽm, cá bớp, nhuyễn thể (ngao, hàu), đặc biệt rong biển... Cùng với hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, các điểm ven biển như Phú Quốc, Hà Tiên, Cà Mau… đang thu hút hàng chục triệu lượt du khách mỗi năm; các dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, cảng biển và dịch vụ logistics đang hình thành, mở ra triển vọng phát triển mới…
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển tại ĐBSCL đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt vùng biển ven bờ dẫn đến năng suất sản lượng có xu hướng giảm. EU đã cảnh báo “thẻ vàng” IUU từ năm 2017 đến nay (tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...). Ngành nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn khi hạ tầng vùng nuôi còn yếu, thiếu quy hoạch bền vững, nguy cơ rủi ro về ô nhiễm môi trường nước ven biển, đầu tư lớn... Đối với ngành du lịch và dịch vụ biển, hiện tại, sản phẩm du lịch của vùng chưa phong phú. Hoạt động liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả chưa đồng bộ và tiến độ lập quy hoạch chi tiết du lịch còn chậm…
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL cần chiến lược dài hơi và sự đồng hành của nhiều lực lượng từ các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế biển vùng ĐBSCL một cách đồng bộ, hiệu quả, trách nhiệm và bền vững. Theo PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Trưởng ban Kiểm tra VALOMA (Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam), thế mạnh của ĐBSCL là đang được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ, các bộ ngành. Với 734km bờ, vùng có điều kiện phát triển vận tải thủy nội địa và đường biển. Mặt khác, ĐBSCL còn là trung tâm sản xuất nông sản, thực phẩm; tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; du lịch và các ngành dịch vụ khác…
Để khai thác các tiềm năng nói trên, PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh đề xuất 4 nhóm giải pháp, thứ nhất, huy động mọi nguồn lực cho hạ tầng kết nối (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa, kêu gọi ODA...). Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong logistics; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển của ĐBSCL. Thứ ba, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chú trọng đặc biệt giao thông đường bộ; chọn lọc để phát triển cảng biển có khả năng tham gia logistics tốt. Thứ tư, đề xuất giải pháp cho hệ thống logistics đáp ứng yêu cầu kết nối quốc tế (tập trung nguồn lực cho cảng Trần Đề, cảng Cần Thơ, hoàn thiện các trung tâm logistics…).
Đối với thế mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản, ông Trần Đình Luân, đề xuất: Về khai thác thủy sản, tập trung phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Đồng thời, tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đến năm 2030 dưới 10%; hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro thiên tai trên biển...
Về nuôi trồng thủy sản biển, ông Trần Đình Luân đề xuất tập trung phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài có giá trị kinh tế gắn bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái, áp dụng tiêu chuẩn GAP để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Nguồn: https://baocantho.com.vn/khoi-dong-luc-phat-trien-kinh-te-bien-vung-bscl-a188297.html
Bình luận (0)