Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu: Cả đời cống hiến vì nghệ thuật

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Năm Châu được nhiều người biết đến trên lĩnh vực sân khấu cải lương với vai trò là diễn viên và soạn giả gạo cội. Tuy nhiên, ông còn là một đạo diễn và một biên kịch (người viết truyện phim). Cả cuộc đời ông gắn liền với nghệ thuật và cống hiến cho nghệ thuật.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang07/07/2025

CÂY ĐẠI THỤ TRONG LÀNG NGHỆ THUẬT

NSND Năm Châu tên thật Nguyễn Thành Châu, sinh năm 1906, tại làng Mỹ Tịnh An, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Lương Hòa Lạc). Ông là con trai độc nhất trong một gia đình có 8 chị em gái, thân phụ là công chức Sở Thương chánh tỉnh Mỹ Tho, sau bị đổi ra làm việc ở Phú Quốc.

NSND Nguyễn Thành Châu.	                                                                               Ảnh: sưu tầm
NSND Nguyễn Thành Châu. Ảnh: Sưu tầm

NSND Năm Châu là soạn giả với nhiều vở cải lương để đời, là Giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) và là ông bầu của nhiều gánh hát nổi tiếng từ những năm 1930. Tại Phòng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay, tên và hình ảnh của ông được đặt ở vị trí trang trọng cùng với các nhân vật nổi tiếng, từng là cựu học sinh Collège de Mytho.

Theo chia sẻ của ông trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1968, thì cơ duyên đến với nghiệp cầm ca của ông là xuất phát từ đam mê nghệ thuật đàn hát từ khi còn bé, nên sau nhiều chuyện không vui khi làm việc ở Sài Gòn, ông trở về Mỹ Tho gặp lại bạn bè cũ, rồi thành lập một gánh hát đi về các miền quê lưu diễn. Phần đông thành viên trong gánh hát của ông khi đó là các bạn học cũ, trừ 2 cô đào. Và cũng từ đó ông bắt đầu viết tuồng cho mình diễn, các vở cải lương như: Giọt lệ cương thường, Vẹn tấm lòng son do ông biên soạn vào lúc bấy giờ. “Khán giả lúc đó phần đông là các con em chủ điền và tá điền, sân khấu là các nhà kho của mấy ông điền chủ. Nơi nào sang thì đèn măng-sông, còn thì đốt đuốc.

Tiền thù lao do mấy ông chủ điền góp của những người xem, những đêm nào được chừng 20 đồng là ngon lành lắm. Y phục của đào kép lúc bấy giờ là áo dài sa-teng xanh bông bạc lớn có thắt lưng, khăn đóng, quần vải trắng quấn xà cạp, đi giày Mã-my của Tàu. Ai đóng vai vua thì đội khăn đóng màu vàng, quan lão thì màu đỏ, vương tôn công tử khăn màu xanh. Tuồng tích phần nhiều là những lớp ca kịch ngắn, như lớp ông Trượng Tiên Bửu, Bùi Kiệm Nguyệt Nga… Còn về ca thì chỉ có những bản Nam ai, Nam xuân, Tứ đại, Phụng hoàng, Hành vân, Giang nam, Bình bán chớ chưa có bản Vọng cổ, dẫu là Vọng cổ hoài lang 4 nhịp”.

Ông đã cộng tác với các đoàn hát như: Tiều Học Ban (năm 1925, của ông Hội đồng Hoành ở quận Mỏ Cày, Bến Tre); Tái Đồng Ban (năm 1926); Trần Đắc (năm 1927, của ông Trần Đắc Nghĩa ở Cần Thơ); Thành lập ban Nam Thanh ở Hà nội (năm 1935); Đại Phước Cương (năm 1936, của ông Nguyễn Ngọc Cương và cô Năm Phỉ ở Sài Gòn). Ông còn là Giám đốc các đoàn như: Ca kịch đoàn Năm Châu (1940 - 1945); Ban Con Tằm (năm 1946); Ban Việt kịch Năm Châu (1948 - 1955); Đoàn Ánh Chiêu Dương (năm 1967). Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển như: Giọt lệ cương thường, Vẹn tấm lòng son, Võ Tòng sát tẩu, Người điên biết yêu (hợp soạn với Lê Hoài Nở và Trần Hữu Trang); Ngọn cờ hiệp nữ; Bến Mười Hai; Ngao sò óc hến và nhiều vỡ khác ở thể loại kịch...

Vốn là một nghệ sĩ đa tài, bên cạnh cải lương và kịch, NSND Năm Châu còn thành công trên lĩnh vực điện ảnh với vai trò đạo diễn, biên kịch. Năm 1956, ông viết truyện Quan Âm Thị Kính rồi hợp tác với hãng Mỹ Vân quay cuốn phim này ở Hồng Kông và thành công vượt bậc, chiếu ở đâu khán giả cũng chật rạp. Sau đó, ông viết tiếp truyện phim thần thoại cổ tích Người đẹp Bình Dương và chọn Thẩm Thúy Hằng làm tài tử chính. Cũng từ đó, Thẩm Thúy Hằng được gọi là người đẹp Bình Dương. Có thời gian NSND Năm Châu còn tổ chức lồng tiếng cho phim nước ngoài và ông có sáng kiến độc đáo là đưa vọng cổ... vào phim. Năm 1957, khi bộ phim Gió bụi kinh thành của Ấn Độ chiếu ở rạp Tân Định, khán giả phải xếp hàng mua vé vì tài tử chính của phim là Ganessan, người Ấn Độ, nhưng lại ca vọng cổ rất mùi. Thì ra, từ bài ca Ấn Độ, NSND Năm Châu đã chuyển sang lời Việt và người hát trong phim là vua vọng cổ Út Trà Ôn. Hay phim Tấm lòng vàng, sau đổi là Thiên thần áo trắng, thu hút khán giả trên màn ảnh truyền hình năm 1968...

SỐNG TRỌN VẸN VỚI NGHỆ THUẬT

Xem Tạp chí Bách Khoa số 278, phát hành vào tháng 9-1968, NSND Năm Châu đã “nói lời của lòng” với ký giả Lê Phương Chi. Ở đó, độc giả thấy được một Năm Châu máu lửa với nghề, một nghệ sĩ trách nhiệm với nghề: “Vấn đề tuồng tích thì tôi chủ trương phục hồi đạo đức và luân lý bằng đường lối nghệ thuật. Do đó, tuồng của đoàn tôi diễn phần nhiều hơi khó hiểu vì đối thoại rất cô đọng. Quan niệm về tuồng tích của tôi từ trước đến giờ là cả cuộc đời nào đó mình thu nhỏ lại để lên trình diễn có vài ba tiếng đồng hồ trên sân khấu, cho nên cần phải súc tích, cô đọng và nhân vật trong tuồng phải có cá tính khác biệt. Vì quan niệm như vậy cho nên lúc tập tuồng tôi rất khắc khe với các diễn viên.

Tôi bắt anh em phải theo đúng từng lời nói trong tuồng. Ca bản nào cho đúng bản đó, chứ tôi nghe một vài anh em trẻ ca các bản Oán, Nam, Bắc gần giống như ca vọng cổ, nhiều lúc tôi nghe tức muốn bể cái ngực. Riết rồi nghe nói lối cũng gần giống như nghe ca và tuồng của mình mà mình coi lạ hoắc như coi tuồng của người khác. Vì anh em ra sân khấu mạnh ai nấy cương, tôi nói vậy không phải tôi trách, vì anh em trẻ hiện nay ở trong một hoàn cảnh phải sống vội vàng mới kịp với xung quanh”.

NSND Năm Châu diễn xuất trên sân khấu.                                                                                                                                                Ảnh: sưu tầm
NSND Năm Châu diễn xuất trên sân khấu. Ảnh: Sưu tầm

Ký giả Lê Phương Chi ghi lại lời của NSND Năm Châu: “Phương ngôn Pháp có câu: Nghệ thuật không thể nuôi sống con người. Có lẽ tại tôi khăng khăng giữ mãi quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Trời sanh mình biết ca hát, thích sống cho sân khấu, muốn nâng trình độ diễn xuất và thưởng ngoạn sân khấu xứ mình cao lên cho bằng thiên hạ, thì làm sao mà giàu được hả anh? Tôi đã từng làm chủ 2, 3 đoàn hát, cơ hội hốt bạc đến trong tay nhưng tôi vẫn chủ trương lập đoàn hát để mình hát những vở tuồng của mình thích, để làm theo ước nguyện của mình.

Những năm 1948, 1949, 1950, Ban Việt Kịch Năm Châu của tôi còn diễn ở rạp Aristo, có nhiều đêm mưa to, tôi kéo màn lên chỉ diễn cho 7, 8 người xem tôi cũng diễn, miễn là trong số khán giả ấy có những người tri kỷ. Tôi cũng biết diễn như vậy là lỗ, nhưng chẳng khi nào tôi nỡ trả vé lại cho những khán giả đã vì thương tôi mà dầm mưa đi từ Khánh Hội, từ Tân định đến, thấy rạp vắng quá, họ lại mua một người 3, 4 vé để ủng hộ tôi. Tuy vậy, mà những đêm ấy chúng tôi lại diễn rất hay. Chúng tôi là tôi nói có cả Ba Vân và Phùng Há trong đó. Vì mình diễn mà có người biết xem là khoái rồi. Cũng như Bá Nha đàn có Tử Kỳ nghe vậy đó anh. Cũng vì tôi chủ trương phụng sự nghệ thuật thuần túy mà lần nào lập gánh tôi cũng bị thất bại”.

Nói về nghệ sĩ cải lương thời đó, ông cho thấy sự thất vọng: “Đào kép thì trình độ diễn xuất kém mà không chịu tập luyện theo lời chỉ dẫn của đạo diễn. Bài ca nào cũng ca nghe như điệu vọng cổ, đối thoại thì chỗ giận, chỗ hùng cũng kéo lê thê, mùi mẫn như sắp sửa vô vọng cổ. Diễn vở nào cũng không chịu học cho thuộc lời, lúc ra sân khấu hễ bí là cương, đến nỗi những vở đắc ý nhất của tôi, tôi không dám đưa cho gánh nào diễn nữa cả. Vì sợ anh em trẻ làm hỏng hoặc làm lai cănG mất. Bởi tuồng tôi viết rất cô đọng, súc tích, mà không chịu học thuộc, diễn đúng, hễ sai một chữ là khán giả không lãnh hội được câu nói của nhân vật trong tuồng, ca không đúng điệu của những bản xưa như Bắc, Nam, Oán thì làm sao lột tả được từng vai trò của từng nhân vật, như thế tư tưởng soạn giả và cốt truyện của tuồng làm sao có thể truyền cảm đến khán giả?”.

Là một soạn giả kỳ tài, một “kép” huyền thoại và là chủ của nhiều gánh hát nhưng NSND Năm Châu không duy trì được lâu dài bởi vì lối sống, lối suy nghĩ và cách làm việc thuần túy vì nghệ thuật của ông không chống đỡ nỗi với thời cuộc. Để rồi ông phải thất vọng thốt lên: “Tôi vẫn quan niệm rằng trong mọi thất vọng, không có thất vọng nào to lớn và nặng nề cho bằng bản thân nghệ sĩ không chống đỡ nỗi nghệ thuật lúc suy tàn”.

MAI HÀ

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202507/nghe-si-nhan-dan-nam-chau-ca-doi-cong-hien-vi-nghe-thuat-1046543/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm