
Những nghệ nhân điêu khắc lão làng
Già làng Briu Pố ở xã Tây Giang là một trí thức người Cơ Tu. Ông am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Cơ Tu, tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, luôn đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy, truyền dạy về nghệ thuật điêu khắc gỗ và nhiều tri thức dân gian cho người dân địa phương.
Ông Briu Pố gắn bó từ lâu với những tác phẩm điêu khắc gỗ - một loại nghệ thuật tạo hình gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của người Cơ Tu. Những gươl làng trên khắp dãy Trường Sơn xứ Quảng đều có bóng dáng, ý tưởng của ông.
Ông tự tay chạm khắc hoặc thiết kế, vẽ mẫu rồi hướng dẫn cho các nghệ nhân trong làng thực hiện. Điều đặc biệt, hàng chục tác phẩm điêu khắc của ông đã đến nhiều nơi trong nước, giới thiệu cho nhiều người biết về nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình khi tham gia các cuộc thi, trại điêu khắc gỗ dân gian vùng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Briu Pố nói: “Điêu khắc Cơ Tu có từ lâu đời, các cụ ngày xưa làm nhà làng, nhà mồ đều không thể thiếu điêu khắc. Điêu khắc Cơ Tu phong phú và đa dạng, về con người, muôn thú, sinh hoạt cộng đồng… Và người Cơ Tu rất yêu quý nghệ thuật điêu khắc này”.
Ngoài già làng Briu Pố, dọc dài bản làng của người Cơ Tu còn có nhiều nghệ nhân điêu khắc lão làng như Clâu Blao, Ađa Nhắt, Clâu Nhím hay Alăng Bleu… Khi đến với miền núi xứ Quảng, sẽ không khó để bắt gặp các tác phẩm điêu khắc của họ bởi chúng hiện diện khắp nơi trong từng nếp nhà, trong các gươl hay các khu nhà mồ...
Tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu chủ yếu là những nét phát họa đơn giản, với những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét, màu sắc nên mang vẻ mộc mạc. Tuy vậy, nhiều tác phẩm điêu khắc này đã phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất... của dân tộc mình.
TS. Trần Tấn Vịnh, người nhiều năm dành tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa đồng bào Cơ Tu, khẳng định: “Các nghệ nhân điêu khắc lão làng Cơ Tu đã góp phần rất lớn vào việc lưu giữ và truyền nối nghệ thuật điêu khắc gỗ của dân tộc mình.
Từ khi có phong trào phục hồi nhà làng truyền thống thì nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng được phát huy và vai trò của các nghệ nhân cũng hết sức quan trọng. Họ đã giữ được ngọn lửa điêu khắc gỗ nguyên sơ lưu truyền từ ngàn xưa. Đây chính là nét độc đáo mà chỉ có người Cơ Tu mới có được”.
Truyền nối tinh hoa…
Việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu có vai trò rất lớn của già làng. Họ là cây cao bóng cả, là người có uy tín tập hợp được lực lượng trẻ có năng khiếu trong làng để truyền nghề và thổi vào tâm hồn họ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn nghệ thuật điêu khắc.

Có lẽ chính nhờ chỗ dựa tinh thần vững chắc này mà trong suốt nhiều năm qua, trên các bản làng miền tây xứ Quảng, ngày càng xuất hiện nhiều nghệ nhân điêu khắc trẻ.
Họ vừa tích lũy được vốn liếng cha ông truyền dạy, vừa phát huy tư duy sáng tạo trẻ trung của mình để thổi vào tác phẩm điêu khắc những nét vừa mang tính truyền thống vừa mang hơi thở cuộc sống trẻ trung, năng động.
Để duy trì và phát huy tinh hoa điêu khắc gỗ của người Cơ Tu một cách bài bản, hằng năm các địa phương miền núi xứ Quảng đều tổ chức những cuộc thi điêu khắc trẻ. Từ hoạt động này, nhiều hạt nhân điêu khắc Cơ Tu được phát hiện, bồi dưỡng để trở thành những người giữ lửa tiếp theo.
Nghệ nhân điêu khắc trẻ Tơ Ngôn Đóc ở xã Tây Giang, nói: “Chúng tôi rất tự hào vì truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Những gì chúng tôi có được hôm nay đều nhờ các nghệ nhân lão luyện đi trước truyền nối, thổi vào tâm hồn chúng tôi những đam mê để tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc…”.
Còn chị Pơ liên Hon (xã Tây Giang) thì quả quyết: “Chúng tôi tin tưởng rằng nghệ thuật điêu khắc của dân tộc mình sẽ không bao giờ bị mai một. Bởi chúng tôi có những người giàu kinh nghiệm đi trước chỉ bảo và có cả những nghệ nhân trẻ hôm nay tiếp nối giữ gìn”.

Nghệ nhân Briu Pố cho hay, điệu múa đẹp nhất của người phụ nữ Cơ Tu là za zá, còn đàn ông thì múa tân tung. Đó là biểu tượng văn hóa - nghệ thuật đặc trưng. Do vậy, trong bất kỳ gươl nào, người Cơ Tu cũng điêu khắc biểu tượng của hai điệu múa này.
Khi phụ nữ nhìn vào gươl sẽ thấy được biểu tượng điệu múa za zá, họ cảm thấy mình được coi trọng. Và như thế, người phụ nữ sẽ được động viên về tinh thần, họ sẽ vui vẻ hơn, chăm chỉ làm ăn, chăm sóc gia đình.
“Đó là cách mà người trẻ hôm nay trên những bản làng Cơ Tu cần nắm bắt, thực hiện để điêu khắc luôn gắn với đời sống có ý nghĩa quan trọng, giúp cho đời sống thăng hoa” - nghệ nhân Briu Pố nói thêm.
Theo các nhà nghiên cứu, điêu khắc Cơ Tu phải giữ cho được chất nguyên sơ mới đạt giá trị nghệ thuật. Nguyên sơ trong điêu khắc Cơ Tu là nguyên sơ của chất liệu, của ý tưởng, đường nét, bố cục và cả màu sắc tác phẩm.
Điều đáng bàn là hiện tại có rất nhiều tượng gỗ của người Cơ Tu bị nghệ nhân lạm dụng quá mức màu sắc của sơn công nghiệp. Vì thế, nhiều tượng có bố cục đẹp nhưng màu sắc không phù hợp nên ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật nguyên bản. Nếu muốn giữ được điêu khắc Cơ Tu thì điều cần thiết là phải dùng chất liệu dân gian để đảm bảo được “ngôn ngữ” của loại hình nghệ thuật độc đáo này…
Nguồn: https://baodanang.vn/nguoi-co-tu-giu-gin-tinh-hoa-dieu-khac-go-3265205.html
Bình luận (0)