Tín hiệu tích cực cho phát triển khu công nghiệp sinh thái
Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP) tại Việt Nam được triển khai từ năm 2019 đến nay, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một (2019 - 2024) nhằm chứng minh hiệu quả của mô hình và giai đoạn hai (2024 - 2028) hướng tới nhân rộng và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Theo bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý Dự án Quốc gia GEIPP Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cho biết, mục tiêu của chương trình là tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Hiện đã có sáu khu công nghiệp tại ba miền Bắc, Trung, Nam tham gia chương trình, được lựa chọn từ hơn 20 khu công nghiệp được đánh giá ban đầu. Sau 4 năm tham gia, các khu công nghiệp như Deep C (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.Hồ Chí Minh)… đều ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đạt nhiều tiêu chí trong xây dựng khu công nghiệp siinh thái. Ảnh minh họa
Tại khu công nghiệp Deep C, tỷ lệ đáp ứng các tiêu chí theo khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái đã tăng từ 47% năm 2019 lên 83% năm 2024; khu công nghiệp Amata tăng từ 81% lên 86%; khu công nghiệp Hiệp Phước từ 44% lên 76%. “Các khu công nghiệp phải đạt 100% tiêu chí theo khung quốc tế vì có chỉ số chưa thực tế với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu là hướng tới mức cao nhất có thể, đảm bảo hiệu quả thực chất”, bà Trâm Anh nhấn mạnh.
Một ví dụ cụ thể, nhà máy thép tại Đà Nẵng, sau khi áp dụng sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm được 1,516 triệu đồng/năm, giảm 4.338 tấn CO2 mỗi năm và tiết kiệm hàng trăm megawatt giờ điện. Nhà máy nam châm đất hiếm tại Hải Phòng cũng đạt mức tiết kiệm lên tới 1,6 tỷ đồng/năm. Đây là những minh chứng thuyết phục cho hiệu quả kinh tế lẫn môi trường khi doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng và cộng sinh công nghiệp.
Bà Trâm Anh cũng thông tin, theo báo cáo tổng từ UNIDO, ba khu công nghiệp tham gia chương trình đã tiết kiệm được gần 15.000 MWh điện/năm, 264 terajoule nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải gần 139.000 tấn CO2/năm. Ngoài ra, hơn 436 cơ hội sản xuất sạch hơn đã được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu USD. Đáng kể nhất, thời gian hoàn vốn không dài, có những doanh nghiệp chỉ mất khoảng một năm.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong mô hình khu công nghiệp sinh thái là việc phát triển "cộng sinh công nghiệp", tức các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cùng chia sẻ tài nguyên. Chất thải của doanh nghiệp này trở thành đầu vào của doanh nghiệp khác. Tại khu công nghiệp Amata, công ty Pepsi và Công ty Năng lượng Xanh đã cộng sinh, tạo nên một mô hình khá hiệu quả. Trong đó, Công ty Năng lượng Xanh đốt trấu, vỏ dừa, gỗ thải để cung cấp hơi nước bão hòa cho Pepsi, giúp tái chế 60.000 tấn chất thải sinh khối và giảm 16.156 tấn CO2/năm.
Tại khu công nghiệp Deep C, bột kính thải từ quá trình mài kính của tập đoàn Flat Glass được tận dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng. Ở khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình), khí thải CO2 từ nhà máy Đạm Ninh Bình được thu hồi, hóa lỏng để sử dụng trong thực phẩm và y tế, giúp giảm phát thải tới 74.000 tấn CO2/năm.
Những rào cản cần tháo gỡ
Dù tiềm năng là rất lớn, quá trình chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, theo bà Trâm Anh, vẫn còn không ít rào cản. Trước hết là các quy định pháp luật chưa thực sự đồng bộ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái sử dụng chất thải hay kết nối cộng sinh công nghiệp. “Quy trình xin phép thực hiện tái sử dụng hoặc cộng sinh công nghiệp thường rất dài và phức tạp, dễ khiến doanh nghiệp nản lòng”, bà Trâm Anh chia sẻ.
Nhiều khu công nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được tiêu chí hạ tầng dùng chung theo Nghị định 35. Quy định hiện hành yêu cầu tối thiểu 20% hạ tầng chung nhưng hiện nay hầu hết các khu công nghiệp chưa đáp ứng được. Cùng đó, việc thiếu nền tảng kết nối và chia sẻ thông tin cũng làm giảm khả năng phối hợp giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp, trong khi đây là yếu tố cốt lõi để cộng sinh công nghiệp.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là tài chính xanh. Mặc dù nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế là không thiếu, nhưng việc kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức cho vay, bảo lãnh vẫn rất khó khăn. Theo đó, bà Trâm Anh đề xuất, cần có những cơ chế linh hoạt, minh bạch hơn để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh.
Trên cơ sở thực tế phối hợp triển khai dự án xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam và những thách thức đã nêu, để có thể phát triển mô hình này, bà Trâm Anh đã đưa ra một số khuyến nghị: Cần xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể cho từng khu công nghiệp, dựa trên cơ sở dữ liệu rõ ràng và thực tế của doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý, tháo gỡ các rào cản trong tuần hoàn chất thải, cấp phép tái sử dụng và cộng sinh công nghiệp.
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ quản lý khu công nghiệp và doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái. Xây dựng cơ chế tài chính xanh hiệu quả, kết nối doanh nghiệp với các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật.
Đặc biệt, bà Trâm Anh nhấn mạnh đến tiềm năng từ các khu công nghiệp mới trong quy hoạch: “Hiện có gần 100 khu công nghiệp đang được quy hoạch. Đây là cơ hội vàng để đưa tư duy khu công nghiệp sinh thái vào từ đầu, kết hợp tự động hóa, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn ngay trong quá trình thiết kế”.
Có thể thấy, khu công nghiệp sinh thái là một chiến lược tất yếu để công nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên xanh. Nếu tận dụng được cơ hội, tháo gỡ những điểm nghẽn và có sự đồng hành thực chất từ các tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu phát triển công nghiệp bền vững trong khu vực.
Định hướng sớm ngay từ bước đầu quy hoạch khu công nghiệp giúp giảm chi phí và thuận lợi hơn cho hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Nguồn: https://congthuong.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-sinh-thai-kho-o-dau-409666.html
Bình luận (0)