Phối cảnh khu vực giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với Vành đai 3 TP.HCM qua xã Củ Chi trong tương lai
Vì một Tây Ninh năng động, sáng tạo
Từ một tỉnh có đường biên giới dài, giáp Campuchia, nay Tây Ninh (mới) còn sở hữu một phần cửa ngõ kết nối trực tiếp với TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, thông qua khu vực Long An (cũ). Điều này đưa tỉnh Tây Ninh (mới) thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và dịch vụ quan trọng, vừa là cửa ngõ ra vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là điểm nối giao thương quốc tế với các nước láng giềng. Các tuyến đường cao tốc hiện hữu và trong quy hoạch như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Trung Lương mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển logistics. Đây chính là “xương sống” để Tây Ninh vươn mình, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đây, Tây Ninh nổi tiếng với nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là cây mía, cây mì và các sản phẩm nông nghiệp khác. Trong khi đó, Long An lại mạnh về công nghiệp, với nhiều khu công nghiệp hiện đại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. Sự hợp nhất này tạo ra một sự bổ sung cho nhau, khai thác tối đa tiềm năng của từng khu vực.
Du khách tham quan Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen
Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ có cơ hội phát triển du lịch đa dạng hơn, từ du lịch tâm linh nổi tiếng tại núi Bà Đen đến du lịch sinh thái, giải trí và thương mại biên giới. Việc tăng cường giao lưu kinh tế với Campuchia sẽ mở ra thị trường mới đầy tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ của tỉnh.
Tại lễ công bố thành lập tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh đã nhấn mạnh tầm vóc của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới: “Khi việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh - Long An thành tỉnh Tây Ninh mới, đơn vị hành chính cấp tỉnh có không gian rộng lớn ở khu vực phía Nam, xếp thứ 2 chỉ sau Đồng Nai, với diện tích tự nhiên lên tới hơn 8.500km2 và quy mô dân số lên tới hơn 3,2 triệu người, là cửa ngõ của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài nhất với Vương quốc Campuchia. Tây Ninh phải phấn đấu năm 2025 đạt mức tăng trưởng trên 8%”.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương: “Việc hợp nhất 2 tỉnh tạo nguồn lực tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế của 2 vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và khát vọng về sự phát triển. Cả 2 tỉnh đều giàu truyền thống cách mạng; tự lực, tự cường trong lao động, sản xuất, đi đầu trong công cuộc đổi mới và hiện nay đều là điểm sáng trong phát triển KT-XH”.
“Chúng ta sẽ ưu tiên các nhiệm vụ phục vụ trực tiếp người dân, giải quyết các vấn đề phát sinh và duy trì liên tục việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, chuẩn bị thật tốt nội dung, điều kiện cần thiết, quyết tâm thực hiện mục đích cao nhất đạt các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025 của tỉnh và những năm tiếp theo. Tất cả vì mục tiêu mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tất cả vì một Tây Ninh năng động, sáng tạo, quyết tâm lập nên những kỳ tích mới để đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu” - Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết nhấn mạnh.
Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp
Từ góc độ doanh nghiệp (DN), việc sáp nhập mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đòi hỏi sự chủ động thích nghi. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Kinh doanh Công ty (Cty) TNHH Tân Nhiên (phường Long Hoa), cho biết: “Việc mở rộng địa bàn có thể giúp DN tiếp cận nguồn lao động và các dịch vụ hỗ trợ đa dạng hơn từ cả 2 khu vực, đồng thời việc tối ưu hóa hạ tầng giao thông và logistics liên vùng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng”. Ông Sơn cũng nhận định một Tây Ninh (mới) lớn mạnh hơn sẽ có sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư, hứa hẹn sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, đô thị, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN.
Công nhân đóng gói sản phẩm tại Công ty Cổ phần Đông trùng hạ thảo HP Long An
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức: “Thị trường mở rộng đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng DN và mức độ cạnh tranh, đòi hỏi Cty phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Việc sáp nhập chắc chắn sẽ đi kèm với những thay đổi về chính sách, quy hoạch phát triển KT-XH. DN cần nhanh chóng nắm bắt và thích nghi để bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và tận dụng được các ưu đãi mới. Mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động nội bộ của Cty nhưng việc hội nhập văn hóa và quản lý giữa 2 địa phương có thể tạo ra những rào cản nhất định trong các giao dịch, thủ tục hành chính ban đầu”.
Ông Trần Văn Lâm - Giám đốc Cty TNHH Muối tôm Trần Lâm Food (xã Tân Lập), bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tổ chức các buổi đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa chính quyền với DN để giải đáp những thắc mắc, vướng mắc thực tế sau sáp nhập, đồng thời cần có chính sách “quá độ”, tức là trong thời gian đầu sáp nhập nên duy trì một số quy định linh hoạt, tránh xáo trộn quá nhiều cho DN. “DN chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần “vì cộng đồng - vì địa phương - vì sự phát triển bền vững” và sẵn sàng góp sức mình để 2 tỉnh sau sáp nhập không chỉ đẹp về bản đồ mà còn mạnh về kinh tế, hài hòa về xã hội và tiến bộ về con người” - ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ về cơ hội, thách thức, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Cty Cổ phần Đông trùng hạ thảo HP Long An (xã Bến Lức), cho biết: “Khi sáp nhập tỉnh, thị trường kinh doanh sẽ lớn hơn, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho DN. Về cơ hội phát triển, DN được tiếp cận thị trường lớn hơn, từ đó mở rộng cơ hội kinh doanh và tăng trưởng doanh thu. Cty HP Long An là thành viên Hiệp hội DN và Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, có thể tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ từ các DN khác trong khu vực, tạo ra sự hợp tác mạnh mẽ hơn. Hỗ trợ từ chính quyền địa phương có thể cung cấp các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Về định hướng phát triển, Cty sẽ khảo sát 2-3 địa điểm tại Tây Ninh (cũ) để mở thêm đại lý và điểm bán hàng”.
Với những lợi thế sẵn có, cùng sự quyết tâm của lãnh đạo và sự chủ động của cộng đồng DN, Tây Ninh đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động, góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả nước. Đây chắc chắn là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng hứa hẹn những kỳ tích mới./.
Phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt 9-9,5%; phấn đấu trên 10%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Khu vực I chiếm 16-17%; khu vực II chiếm 50-51%; khu vực III chiếm 27-28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5-6%. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 115-120 triệu đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước so với năm 2024 là 10%. Năng suất lao động xã hội năm 2025 tăng 8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn so với tổng sản phẩm năm 2025 đạt 34-35%. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2025 đạt 40% GRDP. |
Hoàng Yến
Nguồn: https://baolongan.vn/quyet-tam-but-pha-hoan-thanh-chi-tieu-tang-truong-kinh-te-a198463.html
Bình luận (0)