Ngày 4/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại được ban hành theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, hệ thống các cơ sở y dược cổ truyền cơ bản được đầu tư nâng cấp; mạng lưới y dược cổ truyền ở tuyến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; chất lượng dược liệu, vị thuốc được bảo đảm, thuốc cổ truyền đa dạng và hiệu quả điều trị cao; dịch vụ khám, chữa bệnh lĩnh vực y dược cổ truyền ngày càng phong phú và đa dạng hóa, chất lượng được nâng cao.
Tính đến tháng 6/2025, tuyến trung ương có 5 bệnh viện y dược cổ truyền; tuyến tỉnh và tuyến huyện có 92% số tỉnh, thành phố có bệnh viện y dược cổ truyền. Tỉ lệ giường bệnh y dược cổ truyền/tổng số giường bệnh chiếm 16%. Tỉ lệ lượt khám bệnh bằng y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trên tổng số lượt khám bệnh chung chiếm 3,3%.
Tại Hưng Yên, đến đầu năm 2025, 100% các bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền; 100% số trạm y tế có nhân viên y tế về y dược cổ truyền. Tỉ lệ khám bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y học hiện đại trên tổng số bệnh nhân tuyến tỉnh, tuyến huyện chiếm gần 15%, tuyến xã là 25%. Công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu được quan tâm.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận kết quả đạt được cũng như nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Đồng thời bàn giải pháp để thực hiện chương trình trong thời gian tiếp theo.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y dược cổ truyền gắn với chính quyền địa phương 2 cấp, xây dựng chiến lược và chương trình bảo đảm an ninh dược liệu. Tăng cường đầu tư về nguồn lực, bố trí đủ nhân lực cho hệ thống quản lý y dược cổ truyền từ trung ương đến địa phương; nguồn nhân lực chất lượng cao về y dược cổ truyền. Đẩy mạnh công tác phát triển dược liệu, chú trọng các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển kinh tế; tăng cường kiểm soát chất lượng, bảo quản dược liệu…
Đào Doan
Nguồn: https://baohungyen.vn/so-ket-5-nam-trien-khai-chuong-trinh-phat-trien-y-duoc-co-truyen-ket-hop-y-duoc-co-truyen-voi-y-hoc--3182282.html
Bình luận (0)