
Đa dạng sinh kế cho hộ nghèo
Những năm qua, từ nguồn vốn của dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho bà con, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương châm “không để ai bỏ lại phía sau”, các giải pháp hỗ trợ được phát triển đồng bộ, tạo động lực giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Gia đình ông Điểu Drây ở bon P’răng I, xã Quảng Trực (Lâm Đồng) những năm trước đây chủ yếu trồng lúa rẫy, cà phê trên diện tích 2 ha đất đồi, nhưng hiệu quả không cao. Năm 2010, từ nguồn vốn của chương trình Khuyến nông quốc gia, gia đình ông nhận trồng gần 1 ha mắc ca. Tham gia chương trình, ông được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, từ loại cây trồng mới, cây mắc ca trở thành “cây xoá đói, giảm nghèo” của gia đình ông.
Theo ông Điểu Drây, với hơn 1 ha mắc ca, mỗi năm ông thu được hơn 1,5 tấn trái, giá bán dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài trồng mắc ca, ông Điểu Drây trồng thêm cà phê, chăm nuôi bò, vì vậy nguồn thu nhập của gia đình ngày một ổn định. Từ một hộ có thu nhập thấp đến đây, ông Điểu Drây trở thành hộ tiêu biểu trong vượt khó, thoát nghèo ở xã Quảng Trực.
Ông Điểu Drây cho biết: “Trước đây, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Chỗ ở tạm bợ, thiếu đất sản xuất, thiếu đói quanh năm. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây con giống để làm, gia đình tôi đã ổn định cuộc sống”.
Còn gia đình ông Điểu Hiền ở xã Đức An trước đây cũng là hộ nghèo. Sau 3 năm tham gia mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ dân thoát nghèo” (nhóm “5+1”), gia đình ông Điểu Hiền đã vươn lên thoát nghèo. Ông Điểu Hiền chia sẻ: “Gia đình chúng tôi được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đắk Song giúp đỡ về nhiều mặt. Trong đó, chúng tôi may mắn được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nên kinh tế ngày càng ổn định”.

Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, các tổ, nhóm “5+1” phân công nhau bám sát, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm cây trồng, vật nuôi cho từng hộ. Công việc hỗ trợ cũng được thực hiện bằng vật chất như: máy móc, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn gia cầm… thay tiền mặt.
Theo đồng chí K’Thanh - Bí thư xã Thuận Hạng, công việc chuyển giao sinh kế và hỗ trợ con giống là một trong những giải pháp quan trọng giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2025 đến nay, các xã biên giới tỉnh Lâm Đồng đã phát triển đồng loạt chương trình xóa nhà tạm thời, nhà nát cho các hộ nghèo và cận nghèo. Trong những ngày phát động chương trình, đã có 18 căn nhà được trao tặng với tổng giá trị lên tới 1,1 tỷ đồng. “Để thực hiện mục tiêu này, xã Thuận Hạnh đã kêu gọi sự chung tay đóng góp của cộng đồng, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội”, đồng chí K’Thanh cho biết.
Trong quá trình triển khai các dự án hỗ trợ nhà, các xã Quảng Tân, xã Tuy Đức, xã Quảng Trực được hỗ trợ 193 căn nhà. Mỗi hộ dân được hỗ trợ nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Những năm qua, các dự án, chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ và hiệu quả tại xã dọc biên giới tỉnh Lâm Đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiều nguồn vốn do Trung ương phân bổ được các địa phương tập trung thực hiện các dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ các xã thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135…
Để nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các xã đã tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình điểm giảm nghèo như: Mô hình chăn nuôi gà lai chọi xã Quảng Tân, mô hình nuôi dê tại xã Quảng Trực, mô hình cải tạo giống khoai lang thương phẩm xã Tuy Đức…
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, chương trình Giảm nghèo đã góp phần giúp diện mạo các thôn, bon, buôn nông thôn các xã biên giới chuyển biến tích cực. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đời sống người nghèo từng bước được cải thiện với việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh...
Lâm Đồng có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài khoảng 141 km. Khu vực biên giới của tỉnh có 8.833 hộ dân, với khoảng 75.926 người, trong đó khoảng 26,7% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị, xoá đói giảm nghèo tại các địa phương. Đặc biệt, từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, các xã vùng biên giới đã được phân bổ hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Từ nguồn vốn nêu trên, các địa phương đã thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó, hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mô hình phi nông nghiệp được chuyển giao và phát huy hiệu quả tại các nông hộ.
Các cấp, ngành chuyên môn còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi, canh tác cho các hộ gia đình tham gia dự án. Việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững tại các xã biên giới Lâm Đồng mặc dù còn những khó khăn, hạn chế, tuy nhiên với sự chung tay, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực của các hộ gia đình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Các chương trình, dự án không chỉ giúp các hộ gia đình thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, mà còn góp phần quan trọng cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Đến nay, nhiều địa bàn trên vùng biên đã thật sự trở thành “nơi đáng sống” để hòa chung vào không gian phát triển mới của tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-vung-bien-381765.html
Bình luận (0)