Bác Hồ đọc báo Nhân Dân tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu |
Cầu thị và ngay thẳng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề cao đến vấn đề này như sau: “Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”, đó là tư tưởng “lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người. Muốn làm tốt bất cứ công việc gì, từ một bài báo, một dự thảo luật, cho tới một kế hoạch phát triển, người cán bộ, người làm công tác phải “coi trọng ý kiến của Nhân dân” bằng thái độ cầu thị và sự khiêm nhường, ngay thẳng. Vì thế, mỗi bài viết, mỗi dòng tin, mỗi ý kiến đăng tải đều phải phản ánh được tư tưởng, nguyện vọng và lợi ích của quần chúng. Ngược lại, một bài báo nếu không phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân thì khó lòng tạo được sự đồng thuận, cảm thông, tin tưởng.
Lắng nghe ý kiến Nhân dân là một quá trình nghiêm túc để đối chiếu giữa chủ trương, chính sách và thực tế triển khai, giữa ý chí của bộ máy quản trị và nhu cầu chính đáng của người dân. Có khi người dân phản ánh những điều chưa hoàn toàn chính xác nhưng trong mỗi lời nói, mỗi kiến nghị vẫn luôn có phần sự thật, phần cảm xúc, phần kinh nghiệm sống mà người làm báo cần phân tích, chắt lọc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem trọng vai trò của người dân trong mọi khâu của công việc vì chính họ là người trực tiếp chịu tác động từ chủ trương, chính sách.
Bác căn dặn tiếp về một nguyên tắc quan trọng khác của báo chí: “Các báo cũng cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”. Báo chí là tiếng nói của Nhân dân và để tiếng nói ấy không rơi vào tình trạng một chiều, thì chính bản thân các tờ báo cũng phải biết lắng nghe phản hồi từ người đọc. Việc khuyến khích góp ý, phê bình không phải hình thức “cho có”, mà là dòng đối thoại sống động giữa người làm báo và người tiếp nhận thông tin báo chí. Khi được độc giả sôi nổi, nhiệt tình góp ý, họ trở thành chủ thể của quá trình làm báo và tờ báo trở nên linh hoạt, dân chủ và gần gũi hơn với thực tiễn đời sống. Ngoài việc phản ánh đúng sự thật, Bác còn mong muốn báo chí “tiến bộ mãi” tức là phải biết học từ chính người đọc. Mỗi lá thư góp ý, mỗi lời phê bình, mỗi kiến nghị, phản ánh dù nhỏ, đều là tấm gương soi lại chính mình cho đội ngũ làm báo...
Diễn đàn đối thoại hai chiều
Trong một lần nhắc đến vai trò của báo chí công đoàn trước lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam vào ngày 18/7/1969, Bác nhắn nhủ: “Các báo đăng bài của công nhân phê bình, thế là tốt. Báo Lao Động nên mở rộng mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ của công nhân, vừa nâng cao tính chiến đấu của tờ báo”. Câu nói ngắn gọn nhưng thể hiện một tầm nhìn chính trị sâu sắc, đặt báo chí vào đúng vị trí là diễn đàn dân chủ, là nơi thực hành quyền làm chủ của giai cấp công nhân. Việc “mở rộng mục cho quần chúng phê bình” là một lời nhắc nhở về bản chất của báo chí cách mạng bắt rễ từ nhân dân lao động, đặc biệt là công nhân. Trong bối cảnh khi các chính sách, luật pháp, mô hình sản xuất, lao động liên tục được xây dựng và triển khai, tiếng nói từ thực tiễn sản xuất, từ người trực tiếp lao động là một phần không thể thiếu trong quá trình điều chỉnh chính sách và hoàn thiện xã hội. Mỗi bài viết phê bình từ ý kiến công nhân là một cánh tay vươn dài bảo vệ lẽ phải. Mỗi ý kiến phản ánh từ hiện trường lao động là một lời cảnh báo thực tiễn, giúp tờ báo không xa rời cuộc sống người dân. Khi tờ báo để quần chúng nói lên sự thật, Nhân dân sẽ tin báo ấy là tiếng nói của công chính, lẽ phải. Có như thế, báo chí mới thật sự sống trong lòng Nhân dân.
Trong một bài viết trên Báo Nhân Dân ngày 21/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thẳng thắn chỉ rõ một thực trạng đáng lo ngại trong hoạt động báo chí và quản lý xã hội: “Các báo thường đăng lời phê bình của Nhân dân. Nhưng nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ, cơ quan và đoàn thể bị phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa”. Đó là một cảnh báo khi tiếng nói của Nhân dân không được đáp lại, niềm tin của dân với báo chí và với chính quyền sẽ bị bào mòn. Báo chí cách mạng có chức năng chiến đấu, nhưng sức mạnh ấy không nằm ở việc phê bình một chiều. Mỗi bài viết phản ánh tâm tư, bức xúc của người dân là một lời kêu gọi đối thoại. Khi cán bộ, cơ quan hay tổ chức bị phê bình nhưng vẫn “cứ im lặng”, không phản hồi, không kiểm điểm, không lên tiếng trên chính diễn đàn báo chí để nhận trách nhiệm và cam kết sửa sai, thì phê bình ấy trở nên trống rỗng.
Như vậy, báo chí chỉ thật sự có sức sống khi trở thành diễn đàn đối thoại hai chiều. Nếu một tờ báo chỉ dừng lại ở việc “đăng rồi thôi”, còn người có trách nhiệm, có liên quan chỉ “im hơi lặng tiếng” chính là sự xa rời, coi thường quần chúng nhân dân như Bác gọi là “nước đổ đầu vịt” chẳng được thấm vào đâu. Và báo chí không dừng lại ở “hộp thư góp ý”, báo chí cần bám sát, theo đuổi đến cùng mỗi vấn đề được nêu ra và thúc đẩy hành động cụ thể trên tinh thần thượng tôn pháp luật, để công lý được thực thi.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tieng-noi-bao-chi-la-tieng-noi-cua-nhan-dan-155432.html
Bình luận (0)