Bà Trần Thị Mai, hộ nghèo sinh sống tại thôn Khe O, xã Lục Hồn - một trong những địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua phải sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của địa phương, đầu năm nay, bà được hỗ trợ 80 triệu đồng từ chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” để xây dựng căn nhà cấp 4 kiên cố. Bà Trần Thị Mai chia sẻ: Sống trong căn nhà cũ tạm bợ, tôi luôn lo lắng mỗi khi mưa gió. Giờ đây, khi căn nhà mới đang dần hoàn thiện, tôi yên tâm hơn để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Sự hỗ trợ này không chỉ là vật chất, mà còn là nguồn động viên rất lớn để tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Từ năm 2013 đến hết năm 2019, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn này, gần 13.000 hộ người có công trên địa bàn tỉnh đã được xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Sau khi đề án kết thúc vào cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục duy trì nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp còn lại, đảm bảo không gián đoạn chính sách an sinh. Bước sang năm 2024, chính sách hỗ trợ nhà ở được mở rộng phạm vi khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn quốc - xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Quảng Ninh nhanh chóng hưởng ứng với nhiều giải pháp cụ thể, từ việc rà soát, thống kê đối tượng đủ điều kiện, thiết kế mẫu nhà phù hợp đến công khai, minh bạch các khâu triển khai. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 392 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ, cùng 135 hộ nghèo và cận nghèo. Tỉnh phấn đấu hoàn thành hỗ trợ toàn bộ số hộ trước ngày 31/10 đúng theo mốc thời gian Chính phủ đề ra.
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh đã trở thành mái nhà chung mỗi năm tiếp nhận hàng nghìn lượt người. Từ năm 2012 đến nay, ngân sách tỉnh đã dành trên 20 tỷ đồng cho công tác điều dưỡng. Ông Hoàng Văn Lợi ở Khu Bí Giàng, phường Uông Bí chia sẻ: Chúng tôi là những người có công với cách mạng, hàng năm đều nhận được sự quan tâm chu đáo từ tỉnh đến phường, xã. Gần đây, chính sách điều dưỡng có điều chỉnh tích cực. Theo đó người có tỷ lệ thương tật từ 81,61% trở lên được đi điều dưỡng mỗi năm một lần; các đối tượng còn lại duy trì theo chu kỳ hai năm. Mỗi lần đến Trung tâm Điều dưỡng người có công, chúng tôi đều được đón tiếp ân cần, phục vụ nhiệt tình, có nhiều hoạt động phong phú như văn nghệ, thể thao giúp chúng tôi sống vui, sống khỏe.
Sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh trong công tác an sinh còn thể hiện rõ qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là những trụ cột quan trọng bảo vệ người dân trước rủi ro. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 305.000 người tham gia BHXH, cao hơn mức bình quân cả nước; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 95% dân số. Để đạt được kết quả này, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách như: Hỗ trợ ngân sách mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công; khuyến khích người lao động phi chính thức, người cao tuổi tự nguyện tham gia BHXH.
Ông Nguyễn Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Chúng tôi xác định công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, nhất là BHXH tự nguyện, là nhiệm vụ trọng tâm trong bảo đảm an sinh lâu dài. Mục tiêu là từng bước mở rộng độ bao phủ, đặc biệt ở khu vực phi chính thức, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi tập trung nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế.
Các chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho hộ nghèo được thực hiện đồng bộ, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương. Điều này đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau mà tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì theo đuổi.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/trien-khai-hieu-qua-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-co-cong-va-ho-ngheo-3366515.html
Bình luận (0)