Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng gần 400 đại biểu phụ nữ.
Nhiều kết quả nổi bật trong công tác hội và phong trào phụ nữ
8 giờ 10 phút: Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, thông qua chương trình, nội quy hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu báo cáo tóm tắt về kết quả hoạt động của các cấp Hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tỉnh ủy Hải Dương, công tác hội và phong trào phụ nữ tỉnh Hải Dương đã có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 409.097 hội viên phụ nữ, đạt tỷ lệ 79,5% so với phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Phụ nữ Hải Dương có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.
Công tác Hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Những năm qua, công tác hội và phong trào phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ năm 2021 đến nay đã có 1.266 tập thể, 7.698 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được các cấp Hội khen thưởng và đề nghị các cấp, các ngành khen thưởng trong phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Hải Dương tự tin, nhân ái, năng động, sáng tạo, có khát vọng phát triển”. Toàn tỉnh hiện có 329 mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”.
Các cấp Hội đã thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Toàn tỉnh đã có 1.469 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp Hội nhận đỡ đầu với tổng số tiền cam kết hỗ trợ trên 25,4 tỷ đồng...
Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Nâng cao năng lực cán bộ hội. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động Hội phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Quyết liệt thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới có bản lĩnh, đạo đức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, có năng lực thực hiện nhiệm vụ...
8 giờ 30 phút: Sau khi đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu báo cáo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành phần phát biểu và trả lời ý kiến, kiến nghị của các đại biểu phụ nữ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu trao đổi theo các nhóm vấn đề. Các đại điểu nêu câu hỏi, ý kiến, đề xuất ngắn gọn. Đại diện các cơ quan, đơn vị được giao trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm.
Quan tâm đào tạo nghề cho phụ nữ phù hợp với xu thế chuyển đổi số
8 giờ 35: Đại biểu Hoàng Thị Cấy, hội viên Hội Nông dân xã Nhật Quang (Gia Lộc) là đại biểu đầu tiên phát biểu trong phần đối thoại. Bà Cấy cho rằng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tuy nhiên, bà bày tỏ trăn trở về chính sách đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn. “Thời gian tới, tỉnh có chính sách gì và tổ chức chỉ đạo thực hiện thế nào để đào tạo nghề cho lao động là phụ nữ nông thôn gắn với xu thế trên”, bà Cấy nêu câu hỏi.
Giải đáp kiến nghị của bà Cấy, đồng chí Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định đào tạo nghề của lao động nông thôn nói chung và lao động là phụ nữ nông thôn nói riêng trong bối cảnh chuyển đổi số đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo với những giải pháp và nhiệm vụ thông qua các kế hoạch cụ thể. Trong đó tập trung vào một số nội dung chính. Đó là đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Rà soát nhu cầu để phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các lớp dạy nghề linh hoạt, phù hợp. Tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu lao động nông thôn gắn với thông tin tìm kiếm việc làm.
Cần có những giải pháp bảo vệ phụ nữ trên không gian mạng
8 giờ 45 phút: Liên quan tới chuyển đổi số, chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Bí thư Thành đoàn Hải Dương lo ngại vấn đề lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị lừa đảo, nhất là tầm tuổi trung niên, cao tuổi vì hạn chế kỹ năng công nghệ. Chị Chi kiến nghị tỉnh có những biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Chi, ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương nêu một số nguyên nhân dẫn đến việc người dùng internet bị lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân dẫn đến bị lửa đảo...
Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hành vi sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo một số giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, các chế tài xử lý đối với hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, mua bán tài khoản ngân hàng, nhất là đối với phụ nữ.
Các đơn vị lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng, khách hàng trên địa bàn tỉnh phải xây dựng quy trình, phương án, hệ thống máy chủ bảo mật dữ liệu người dùng, khách hàng, không để lộ lọt hoặc bán cho bên thứ ba. Đồng thời phải kịp thời thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng khi xảy ra việc lộ lọt dữ liệu. Phối hợp với các đơn vị chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia… thành lập các tổ hướng dẫn bảo vệ dữ liệu cá nhân để đào tạo, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân xây dựng phương án bảo vệ, xử lý khi phát hiện lộ lọt dữ liệu cá nhân. Thường xuyên diễn tập các tình huống bị tấn công, lộ lọt dữ liệu cá nhân để nâng cao kỹ năng cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường, nhanh chóng điều tra truy tố, xét xử các vụ án mua bán dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng để phổ biến pháp luật, tăng tính răn đe…
Nhân rộng xử lý rác thải bằng men vi sinh tại gia đình
8 giờ 55 phút: Đại biểu Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Dân (TP Chí Linh) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ đánh giá rác thải hữu cơ sau khi phân huỷ bằng men vi sinh IMO để triển khai rộng rãi mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình.
Được phân công trả lời câu hỏi của đại biểu Điệp, ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá cao đóng góp của các cấp hội phụ nữ trong việc tham gia hoạt động phân loại rác tại nguồn. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để hỗ trợ đánh giá hiệu quả của mô hình này.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và các doanh nghiệp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình bằng men IMO của các cấp hội phụ nữ.
Về kinh phí hỗ trợ triển khai mô hình, các cấp hội phụ nữ lập phương án, dự toán kinh phí gửi về Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh và các doanh nghiệp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó sẽ ưu tiên hỗ trợ mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình bằng men IMO của các cấp hội phụ nữ.
Mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khiêm tốn
9 giờ 5 phút: Tiếp tục đối thoại, đại biểu Phạm Thị Khánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kim Anh (Kim Thành) cho rằng mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn khiêm tốn khi chỉ được hưởng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Đại biểu Khánh đề nghị cần nâng mức trợ cấp để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chính sách như tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ đó sẽ giúp những phụ nữ nội trợ, chăm lo cho gia đình, không có công việc ổn định có thêm điểm tựa vững chắc khi về già.
Trả lời kiến nghị của đại biểu Khánh, bà Trần Thị Hương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực XII cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội cũ không quy định chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đã bổ sung thêm chính sách này. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh. Kinh phí trợ cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách nhà nước chi trả mà không lấy từ số tiền đóng của người tham gia là chính sách linh hoạt, tăng tính hấp dẫn để mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Với ý kiến đề xuất người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng các chính sách như tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bà Hương cho biết cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp thu. Thời gian tới sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi.
Lo ngại tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến ở giới trẻ
9 giờ 15 phút: Lo ngại tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến ở giới trẻ, đại biểu Đoàn Thị Huyền, Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Sách đề xuất tỉnh có chỉ đạo ngành chức năng trong việc bồi dưỡng kỹ năng sống, kiến thức tiền hôn nhân cho các bạn trẻ.
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến ở giới trẻ. Trong đó phải kể đến vấn đề bạo lực, các mâu thuẫn trong đời sống gia đình như kinh tế, việc làm, lối sống ích kỷ, sự dễ dãi, thiếu gắn bó giữa vợ chồng…
Tuy nhiên, tình trạng ly hôn phần lớn xuất phát từ việc thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, cách ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa các thành viên trong gia đình…
Xuất phát từ thực tế trên, trong công tác quản lý nhà nước về gia đình, tỉnh luôn chú trọng, quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua việc triển khai các kế hoạch, chương trình hành động.
Hằng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ công tác gia đình để cung cấp các kiến thức về hôn nhân, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, giúp các thành viên gia đình xây dựng, duy trì các mối quan hệ hòa thuận, hạnh phúc, góp phần ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình.
9 giờ 30 phút: Hội nghị giải lao.
Phụ nữ trung niên khó tìm việc làm
9 giờ 54 phút: Sau giờ giải lao, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục điều hành phần đối thoại.
Liên quan đến vấn đề việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên, đại biểu Ngô Thùy Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tứ Minh (TP Hải Dương) nêu ý kiến hiện nay những địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phụ nữ trung tuổi rất khó tìm việc làm thay thế. Nguyên nhân các doanh nghiệp không tuyển dụng người trung niên.
Đại biểu đề nghị tỉnh có kế hoạch để giúp phụ nữ trung tuổi có việc làm phù hợp hơn, ví dụ như hỗ trợ phát triển mô hình kinh doanh nhỏ hoặc hợp tác xã.
Liên quan đến bảo đảm quyền lợi cho cán bộ sau khi sáp nhập, đại biểu Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cẩm Việt (Thanh Hà) bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên, đại biểu Hoa bày tỏ lo lắng sau sáp nhập đội ngũ cán bộ dôi dư, đặc biệt là các đồng chí giữ chức danh phó các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ gặp khó khăn về vị trí công tác. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm quyền lợi cho cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ nữ.
Giải đáp kiến nghị của đại biểu Dung và đại biểu Hoa, đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết qua nắm bắt tình hình sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024 và quý 1/2025, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, do đó có xu hướng tuyển cả lao động có độ tuổi từ trên 50 tuổi vào làm việc.
Các cấp hội, cơ sở, cá nhân người lao động có thể liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp để được kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Về chính sách hỗ trợ người bị thu hồi đất, Chính phủ, UBND tỉnh đã có những quyết định quy định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (nay đã hợp nhất với Sở Nội vụ) đã có công văn về việc triển khai, thực hiện các quyết định của tỉnh, trong đó nêu rõ các nội dung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Các địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu tìm việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn và giới thiệu việc làm. Ngoài ra, người lao động có thể đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng để chuyển đổi nghề, tham gia thị trường lao động theo chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 35/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh.
Về vấn đề chính sách cho cán bộ sau sáp nhập của đại biểu Hoa, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đội ngũ người hoạt động không chuyên trách dôi dư sẽ thực hiện theo quy định và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Ngày 15/4/2025, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã ban hành Công văn số 03/CV-BCĐ định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8/2025. Giao cho chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Hải Dương sẽ khởi công 9 dự án nhà ở xã hội với gần 7.000 căn hộ
10 giờ: Chị Vũ Thị Gấm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đề nghị tỉnh quan tâm đến việc xây dựng các dự án, kêu gọi đầu tư cho việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân trong tỉnh và kêu gọi đầu tư xây dựng thêm nhà ở xã hội giá rẻ, đặc biệt dành cho lao động nữ và công nhân có thu nhập thấp.
"Hiện nay nhiều vợ chồng là công nhân có con nhỏ làm việc tại các khu, cụm công nghiệp rất khó khăn do con còn nhỏ, đi làm không yên tâm, khó khăn về chỗ gửi con", chị Gấm cho biết.
Giải đáp đề nghị của đại biểu Gấm, ông Vũ Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian vừa qua, tỉnh Hải Dương đã tập trung giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đã quy hoạch trên 60 ha trong các đồ án quy hoạch chi tiết, bảo đảm quỹ đất nhà ở xã hội theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh được phê duyệt.
Ngoài ra, đối với nhà lưu trú cho công nhân trong các khu công nghiệp, tỉnh Hải Dương cũng quy hoạch trên 41 ha, đáp ứng đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở, các tiện ích dịch vụ công cộng của người dân nói chung và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn nói riêng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2030.
Hiện nay tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó đối tượng được mua, thuê, thuê mua là công nhân, lao động nữ. Năm 2025-2026, Hải Dương dự kiến khởi công 9 dự án với gần 7.000 căn hộ.
Cần có thêm chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi
10 giờ 15 phút: Đại biểu Nguyễn Thị Nhâm, Phó trưởng Ban Gia đình xã hội và Kinh tế (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) đề nghị quan tâm đến vấn đề chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi.
Đại biểu Nhâm cho biết trong 3 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã huy động, hỗ trợ được gần 14 tỷ đồng cho chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Trung bình mỗi tháng các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh vận động gần 700 triệu đồng để hỗ trợ trẻ em mồ côi. Đại biểu đề nghị tỉnh có những chính sách hỗ trợ như trợ cấp xã hội hàng tháng, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ mồ côi từ 7 đến dưới 16 tuổi.
Trả lời đề nghị của đại biểu Nhâm, ông Đỗ Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết Chính phủ đã có quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định trẻ em mồ côi dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế.
HĐND tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/6/2021 mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, bao gồm đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, không có khả năng nuôi dưỡng. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các đối tượng này cao hơn, rộng hơn, ưu việt hơn so với quy đinh của Trung ương. Điều này thể hiện sự quan của tỉnh đối với trẻ em mồ côi, yếu thế...
Phó Giám đốc Sở Tài chính mong muốn Hội sẽ duy trì và phát triển chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Đồng thời, đề nghị Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Y tế rà soát, đánh giá cụ thể từng đối tượng chưa được hỗ trợ. Trên cơ sở đó, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, bổ sung điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.
Quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho phụ nữ dân tộc
10 giờ 25 phút: Đại biểu Nguyễn Thị Hoè, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh) đề nghị các cấp có giải pháp hỗ trợ về nhiều nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho nhân dân và đặc biệt là cho phụ nữ dân tộc.
Theo đại biểu Hòe, Hoàng Hoa Thám là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của TP Chí Linh. Nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, thâm canh trên đồng ruộng. Hầu hết việc thâm canh mang tính nhỏ lẻ, do vậy để mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề dịch vụ khác cần nhiều nguồn vốn.
Trước đề nghị của đại biểu Hòe, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chuyển ngân sách địa phương sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo vay và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh Hải Dương ủy thác đạt trên 542 tỷ đồng. Nguồn vốn này thực hiện cho vay 6 chương trình tín dụng chính sách.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, cân đối, bố trí bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.
10 giờ 45: Hội nghị kết thúc phần phát biểu, trả lời ý kiến của các đại biểu
Nguồn: https://baohaiduong.vn/cac-dong-chi-thuong-truc-tinh-uy-hai-duong-doi-thoai-voi-can-bo-hoi-vien-phu-nu-409664.html
Bình luận (0)