
Giúp nông dân thoát nghèo bền vững
Cách đây gần 10 năm, ông Lê Tiến Dũng (phường Thanh Khê) chật vật với công việc làm thuê thu nhập thấp. Bước ngoặt đến khi ông được địa phương cho mượn tạm 2.000m2 đất tại đường Yên Khê 1, vốn là khu vực bị ô nhiễm do rác thải.
Nhờ được Hội Nông dân hỗ trợ hai lần vay vốn tổng cộng 80 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, ông từng bước mở rộng trồng hoa, cây cảnh, nông sản. Vào vụ Tết, thu nhập của ông từ nghề trồng hoa 100 - 150 triệu đồng.
Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả được các cấp Hội Nông dân hỗ trợ, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, tiêu biểu như mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao của anh Đào Huy Tùng (phường Cẩm Lệ). Trước đây, anh Tùng gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu mặt bằng và sản phẩm đầu ra bấp bênh do thiếu thị trường tiêu thụ.
Khi tham gia sinh hoạt hội, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ mượn 700m² đất, tiếp cận vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân và được kết nối sản phẩm đầu ra ổn định. Đến nay, mô hình của anh hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Năm 2024, các cấp hội thành lập 23 tổ hợp tác, 50 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 5 hợp tác xã và 24 chi hội nghề nghiệp; 2.142 hội viên nông dân được đào tạo, bồi dưỡng nghề; 4.838 hội viên được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận với tiến bộ công nghệ mới trong sản xuất.
Nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp thành phố hiện đạt hơn 47,5 tỷ đồng, đã giải ngân 44,7 tỷ đồng cho 200 dự án, giúp hơn 1.300 hộ dân vay vốn phát triển kinh tế. Đa số các hộ dân vay vốn thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh hộ gia đình.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân thành phố cho biết, thời gian qua, hội chú trọng đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ hội viên phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung kết nối đầu ra, quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại truyền thống lẫn điện tử để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở được đẩy mạnh, giúp hoạt động của hội ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của hội viên.
Điểm tựa của phụ nữ khởi nghiệp
Không chỉ đại diện chăm lo quyền lợi cho hội viên phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng còn là điểm tựa vững chắc giúp nhiều chị em mạnh dạn khởi nghiệp, làm kinh tế. Thời gian qua, hội triển khai hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, giúp nhiều hội viên hiện thực hóa ước mơ làm chủ kinh tế bằng chính năng lực của mình.
Với chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (phường Ngũ Hành Sơn), động lực khởi nghiệp bắt đầu từ việc không để củ gừng nhà trồng bị lãng phí. Năm 2017, chị Nguyệt trồng gừng trên diện tích 100m2, nhưng khi đến vụ, giá gừng thấp, không ai thu mua. Nhờ được gợi ý cách làm trà gừng truyền thống từ người bạn, chị nghiên cứu, thử nghiệm thành công.
Điểm tựa đến với chị từ sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thông qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Được hội hỗ trợ vốn, hướng dẫn đăng ký sản phẩm, tập huấn kỹ năng quản lý và chuyển đổi số, chị dần chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Sản phẩm trà gừng mang thương hiệu Tâm Nguyên của chị được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Từ gian bếp nhỏ, chị mở rộng xưởng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hồng (phường Liên Chiểu), Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng, không chỉ phát triển kinh tế bền vững mà còn góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp xanh. Năm 2012, bà Hồng nghiên cứu và thành công trong việc tận dụng rác thải hữu cơ như rau, củ, quả để sản xuất nước rửa chén, lau nhà, dầu gội, nước rửa tay an toàn, thân thiện môi trường. Được Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm, bà Hồng từng bước mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu riêng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà còn tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn học cách sản xuất chất tẩy rửa từ nguyên liệu bỏ đi. Với vai trò Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp Đà Nẵng, bà tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho nhiều chị em vững bước trên con đường khởi nghiệp.
Theo đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng cho phụ nữ khởi nghiệp.
Đến nay, hỗ trợ 1.143 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 18 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Từ những ý tưởng tưởng chừng rất nhỏ, nhờ sự đồng hành của Hội, nhiều người phụ nữ tự tin bước ra khỏi vùng an toàn, khẳng định bản thân bằng những mô hình kinh doanh triển vọng.
Nguồn: https://baodanang.vn/diem-tua-vung-chac-giup-hoi-vien-nong-dan-phat-trien-kinh-te-3264904.html
Bình luận (0)