Trước khi sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng (mới), đề án “Nâng cấp Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng” đã được ngành Công Thương địa phương phối hợp đơn vị chức năng của Bộ Công Thương thực hiện hoàn thành. Qua đó tiếp tục phát huy thế mạnh của Sàn thương mại điện tử Bình Thuận (tại địa chỉ https://sanphamdiaphuong.vn), đồng thời kết nối với Sàn thương mại điện tử quốc gia (https://sanviet.vn) để nâng cao hiệu quả khai thác…


Sau nâng cấp, Sàn thương mại điện tử Bình Thuận đã hoàn thiện, bổ sung đầy đủ tính năng và được ngành Công Thương phối hợp tổ chức hội nghị giới thiệu đến các đối tượng liên quan. Bởi đây là sàn thương mại điện tử hoạt động phi lợi nhuận với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến. Thông qua đó còn góp phần tăng nhận diện các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng vùng miền và tạo cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ… Song song đó, ngành chức năng của tỉnh cũng thường xuyên rà soát, tổng hợp những trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc tham gia hoạt động xuất khẩu có nhu cầu giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ thiết thực. Tính đến nay, Sàn thương mại điện tử Bình Thuận ghi nhận có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký tham gia với hơn 250 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm kết nối với Sàn thương mại điện tử quốc gia.
Liên quan đến phát triển thương mại điện tử, thời gian qua ngành Công Thương còn triển khai đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” (tại địa chỉ: https://truyxuatsanphambinhthuan.vn). Đây được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tự tạo mã QR trên sản phẩm của đơn vị mình để thông tin đến người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa. Bao gồm: Nguyên liệu sản phẩm đầu vào, quy trình sản xuất, hình ảnh sản phẩm, giá sản phẩm và các chứng nhận về an toàn thực phẩm...
Được biết hiện nay đã có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở tham gia phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” với khoảng 300 sản phẩm. Nhờ đó cũng tạo lòng tin cho khách hàng trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của các đơn vị, góp phần bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thì được bảo vệ thương hiệu, uy tín, sản phẩm chất lượng ở thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra hàng năm, ngành chức năng còn hỗ trợ cho hàng chục lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo tại hội nghị kết nối cung cầu TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành.
Trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tập trung phát huy hiệu quả Sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương. Tiếp tục tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia giao dịch trên Sàn thương mại điện tử Bình Thuận, Sàn thương mại điện tử quốc gia và các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso...). Đồng thời tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, góp phần bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thúc đẩy thương mại điện tử ngày càng phát triển.
Nguồn: https://baolamdong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-san-thuong-mai-dien-tu-381622.html
Bình luận (0)